Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones rớt 373,56 điểm (tương đương 1,08%) xuống còn 34.099,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,35% về mức 4.376,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,87% xuống còn 13.463,97 điểm.
Chỉ số Dow Jones chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3, còn hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 2/8.
Trong phiên ngày thứ Năm, cổ phiếu Nvidia có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng của giới phân tích.
Ngoài ra, hãng sản xuất con chip khổng lồ này còn nâng triển vọng của quý III khi dự báo doanh thu có thể đạt 16 tỷ USD, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cổ phiếu Nvidia chốt phiên chỉ tăng 0,1%.
Lĩnh vực công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 trong phiên này. Kết thúc phiên 24/8, các cổ phiếu công nghệ đi xuống khoảng 2,15% do đà giảm của các công ty Advanced Micro Devices (AMD) và Intel. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn khác cũng đi xuống, trong đó Amazon mất 2,7%, Apple giảm 2,6% và Netflix sụt 4,8%.
Dollar Tree là cổ phiếu có kết quả tồi tệ nhất thuộc chỉ số S&P 500, khi “bay” hơn 12.9% do triển vọng quý III gây thất vọng. Cổ phiếu Nike mất 1,1%, nối dài chuỗi lao dốc kỷ lục. Cổ phiếu Boeing gây áp lực lên chỉ số Dow Jones khi sụt gần 5%.
Chiến lược gia toàn cầu Phillip Colmar tại MRB Partners nói rằng thị trường Phố Wall đang chỉ “tập trung” vào một số cổ phiếu nhất định. Vị chuyên gia cho biết: “Tôi nghĩ tăng trưởng tốt và lợi suất trái phiếu đi lên sẽ giúp thị trường mở rộng thêm. Chúng ta đã chứng kiến hiện tượng này trong những tuần gần đây”.
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo thống kê hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua thấp hơn dự báo, một dấu hiện cho thấy thị trường lao động vẫn đang mạnh.
Cụ thể, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 19/8 là 230.000, giảm 10.000 so với tuần trước và thấp hơn mức ước tính của Dow Jones là 240.000 đơn.
Dữ liệu này có thể sẽ là một căn cứ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì quan điểm cứng rắn: giữ lãi suất cao hơn và trong thời gian lâu hơn.
Trong phiên giao dịch này, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng nhiệt cũng là một nguyên nhân chính khiến thị trường Phố Walll chao đảo, khi nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu về chính sách tiền tệ từ những nhận định của các ngân hàng trung ương tại Hội nghị ở Jackson Hole trong ngày thứ Sáu.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức cao 4.241%, sau khi ghi nhận mức đỉnh 16 năm vào đầu tuần này.
Nhà đầu tư cũng đang phân tích những phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker.
Lãnh đạo Fed tại Philadelphia tiết lộ rằng ông thấy không cần phải tăng thêm lãi suất nữa, và có thể nới lỏng vào năm 2024, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế. Theo ông Harker, Fed vẫn cần giữ lãi suất thắt chặt trong một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, thị trường chờ bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị kinh tế thường niên của Fed ở Jackson Hole, bang Wyoming để có thêm những tín hiệu về chủ trương của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sau 11 lần nâng lãi suất kể từ tháng 3/2022.
Phát biểu với hãng tin Reuters, Jake Dollarhide - Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management ở Tulsa, Oklahoma, nhận định: "Nhiều nhà đầu tư muốn tập trung vào động lực từ Nvidia, nhưng dường như thị trường vẫn bị ám ảnh bởi Fed. Những tuyên bố được Chủ tịch Fed Powell đưa ra trong hội nghị ở Jackson Hole có thể làm mọi thứ rối tung lên. Điều đó có thể khiến các nhà đầu tư nhanh chóng quay ra bán tháo cổ phiếu”.