Chứng khoán châu Á phục hồi
Thị trường cổ phiếu châu Á đi lên trong phiên 11/7 sau khi FED phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.
FED đang chuẩn bị sẵn sàng để cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ do nền kinh tế toàn cầu yếu đi và không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường việc làm trong nước quá nóng.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 10/7, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây, đã có thêm nhiều dữ liệu củng cố đánh giá của FED rằng "hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư đồng loạt yếu đi trên toàn thế giới".
Ông Powell cho biết ngân hàng trung ương sẵn sàng có hành động can thiệp thích hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Thị trường tài chính quốc tế xem những phát biểu trên của Chủ tịch Powell là sự xác nhận rằng lãi suất sẽ được cắt giảm trong cuộc họp vào ngày 30-31/7. Giới giao dịch cũng tăng đặt cược vào khả năng lãi suất sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm.
Lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu của FED hiện ở khoảng 2,25-2,5%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,8%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng nhích 0,4%.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,8%.
Trong khi đó, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 1% và chứng khoán Australia cũng leo dốc 0,3%.
Chiến lược gia cấp cao Masahiro Ichikawa của Sumitomo Mitsui DS Asset Management nhận xét: “Thị trường hy vọng ông Powell thể hiện quan điểm ôn hòa và nhà đầu tư đã có được những gì họ muốn”.
Giới đầu tư chờ đợi dữ liệu của Mỹ, bao gồm CPI dự kiến được công bố trong ngày 11/7 để xác định liệu nền kinh tế có đảm bảo cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tháng này hay không.
Nội dung biên bản cuộc họp ngày 18-19/6 của FED cũng khiến thị trường thêm tin tưởng vào khả năng có một đợt hạ lãi suất vào cuối tháng này. Theo biên bản được công bố ngày thứ Tư, nhiều quan chức của FED nhận thấy chính sách có thể phải được nới lỏng sớm để hỗ trợ tăng trưởng.
Khả năng giảm lãi suất đã được FED mở ra trong cuộc họp tháng 6, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về chủ trương chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong ngày 11/7 đi ngang mức 97,001 điểm sau khi giảm 0,4% trong phiên trước đó. Chỉ số này rời khỏi mức cao nhất trong 3 tuần lên tới 97,588 điểm sau những bình luận của Chủ tịch Powell.
Sov với đồng yen Nhật, tỷ giá đồng USD giảm 0,35% xuống còn 108,080 yen. Tỷ giá đồng euro tiếp tục tăng 0,1% so với đồng USD, hiện ở mức 1 euro đổi được 1,1263 USD sau khi phục hồi 0,4% ở phiên trước đó.
Chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/7, với chỉ số S&P 500 có thời điểm vượt mốc 3.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell trấn an giới đầu tư về khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này.
Chỉ số Dow Jones cũng thiết lập mốc kỷ lục trong phiên, và chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ hôm 10/7, Chủ tịch Powell nói rằng FED đang giữ tư thế sẵn sàng "hành động phù hợp" để hỗ trợ chuỗi thời gian tăng trưởng dài kỷ lục của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch FED Jerome Powell trấn an giới đầu tư về khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 10/7.. |
Chiến lược gia JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade cho biết: "Nhiều phân tích cho rằng bản báo cáo việc làm công bố tuần trước sẽ khiến FED thay đổi lập trường. Tuy nhiên, FED đặt ra chủ trương dựa trên các xu hướng, chứ không phải các điểm dữ liệu riêng lẻ".
Sau phát biểu của ông Powell, khả năng FED hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm cũng tăng mạnh trở lại, lên mức 26,6%, theo công cụ FEDWatch của sàn CME. Kỳ vọng này vơi bớt sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến vào cuối tuần trước.
Không lâu sau khi thị trường mở cửa, S&P 500 vượt ngưỡng 3.000 điểm, nhưng không giữ được mức này cho tới hết phiên. Lúc đóng cửa, chỉ số dừng ở 2.993,07 điểm. Giới đầu tư nhận định cho rằng mốc 3.000 điểm có thể củng cố niềm tin trên thị trường Phố Wall - nơi nhiều kỷ lục mới đã được thiết lập trong năm nay.
Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn gồm Amazon.com, Microsoft, và Apple là những lực đẩy lớn nhất cho sự tăng điểm của các chỉ số trong phiên này.
Trong phiên này, các chỉ số của chứng khoán Mỹ cũng được hỗ trợ bởi thông tin từ biên bản cuộc họp tháng 6 của FED. Nội dung của biên bản cho thấy nhiều quan chức của FED tin rằng cần phải có thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng nếu những rủi ro đối với nền kinh tế không lắng xuống.
Nhóm tài chính của S&P 500 - những cổ phiếu thường hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng - giảm 0,5% sau phát biểu của ông Powell.
Thành quả tăng điểm của chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay dựa nhiều vào lập trường chính sách tiền tệ trở nên mềm mỏng hơn của FED. Tuy nhiên, trong vài tuần sắp tới, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II sẽ là một nhân tố quan trọng tác động đến các chỉ số.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 0,29%, đạt 26.860,2 điểm. S&P 500 tăng 0,45%. Nasdaq tăng 0,75%, đạt 8.202,53 điểm./.