Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục nhờ cổ phiếu Apple thăng hoa

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên ngày 11/6 khi cổ phiếu Apple nhảy vọt hơn 7% nhờ việc giới thiệu các tính năng AI mới.

Cổ phiếu Apple tăng xấp xỉ 7,3% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6. Ảnh: CNBC
Cổ phiếu Apple tăng xấp xỉ 7,3% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6. Ảnh: CNBC

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên ngày thứ Ba trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với S&P 500 và Nasdaq thiết lập kỷ lục mới nhưng Dow Jones giảm điểm.

Động lực của phiên này là cổ phiếu Apple đạt mức cao chưa từng thấy trong lịch sử, giữa lúc nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 11/6, chỉ số S&P 500 cộng 0,27% lên mức 5.375,32 điểm, còn Nasdaq Composite tăng 0,88% lên 17.343,55 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa cao kỷ lục của cả hai chỉ số. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 120,62 điểm (tương đương 0,31%) xuống còn 38.747,42 điểm.

Cổ phiếu Apple có thời điểm trong phiên lập kỷ lục mới lần đầu tiên kể từ tháng 12/2023, sau đó chốt phiên với mức tăng xấp xỉ 7,3%. Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia sụt 0,7% khi đóng cửa phiên giao dịch.

Theo các nhà phân tích, trong phiên 11/6, thị trường dường như đang chốt lời với cổ phiếu Nvidia và chuyển sang tay chơi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là Apple.

Theo chiến lược gia trưởng đầu tư Chris Senyek tại Wolfe Research, các nhà giao dịch đang tỏ ra hào hứng với tài sản rủi ro như cổ phiếu khi kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng Mỹ tốt hơn cũng như việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Cùng ngày, Fed đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày 12/6 với quyết định về lãi suất và một cuộc họp báo có sự góp mặt của Chủ tịch Jerome Powell. 

Mặc dù đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại sự suy yếu này sẽ không đủ để khích lệ Fed bắt đầu nới lỏng chính sách trong năm 2024. 

Chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Marko Kolanovic của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo rằng cơ hội giảm lãi suất đã giảm đi nhiều sau báo cáo việc làm tháng 5 tốt hơn dự báo. “Chúng tôi nhận thấy triển vọng giảm lãi suất trong năm nay giảm dần và hiện dự kiến ​​đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 11” - ông Kolanovic viết trong một báo cáo.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng Fed không giảm lãi suất trong cuộc họp tuần này và cả cuộc họp tháng 7 tới. Tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là khoảng 50%, còn xác suất để lãi suất đi xuống trong cuộc họp tháng 11 là 66%.

 

“Nhìn chung, thị trường đã bắt đầu chuẩn bị đón nhận những phát biểu có phần cứng rắn từ giới chức Fed. Đó sẽ không hẳn là một thông điệp rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm, nhưng sẽ là Fed cần thêm thời gian chờ đợi trước khi có thể hạ lãi suất” - chuyên gia trưởng về thị trường vốn Bill Merz của Công ty US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Theo ông Merz, những thông tin và dữ liệu quan trọng nhất đối với thị trường trong cuộc họp chính sách lần này của Fed sẽ là biểu đồ lãi suất và các dự báo kinh tế cập nhật. Cũng trong ngày thứ Tư, thị trường sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 do Bộ Lao động Mỹ công bố.

Tuy nhiên, chiến lược gia Duncan Toms của ngân hàng HSBC cho rằng rủi ro đối với thị trường chứng khoán Mỹ trong ngắn hạn hiện rất thấp. Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Mặc dù lãnh đạo Fed có thể đưa ra tuyên bố mang tính diều hâu, song lãi suất cơ bản khó có thể tăng vọt lên mức như năm ngoái. Do đó, chúng tôi tin rằng thị trường cổ phiếu vẫn có cơ hội tiếp tục đi lên trong ngắn hạn”.