Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Lo chính sách “diều hâu” của FED, Dow lao dốc hơn 140 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Dow Jones giảm hơn 142 điểm trong ngày 14/7 khi nhà đầu tư đánh giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa do lo ngại suy thoái vẫn còn.

Hai trong ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall khép phiên ngày 14/7 với sắc đỏ. Ảnh: AP
Hai trong ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall khép phiên ngày 14/7 với sắc đỏ. Ảnh: AP

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Năm sau khi một số ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh kém khả quan.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 14/7, chỉ số Dow Jones sụt 142,62 điểm (tương đương 0,46%), xuống mức 30.630,17 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 mất 0,3%, về 3.790,38 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích  0,03% lên 11.251,19 điểm.

Hai trong ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall khép phiên với sắc đỏ nhưng đã rút khỏi các mức đáy trong phiên. Có thời điểm, chỉ số Dow Jones “bay” tới 628 điểm, còn Nasdaq Composite và S&P 500 giảm hơn 2%. Chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận tuần giảm điểm.

“Nếu như kết quả kinh doanh của các ngân hàng được lấy làm thước đo cho sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, quý II là giai đoạn thất vọng” -ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, nhận xét.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng lớn được công bố trong ngày 14/7 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt rủi ro suy thoái. 

Giá cổ phiếu của JPMorgan Chase mất 3,5% sau khi nợ xấu tại ngân hàng này tăng lên. Ngân hàng này cũng cho tạm dừng chương trình mua lại cổ phiếu và không lạc quan vào triển vọng kinh doanh thời gian tới. Trong bối cảnh lợi nhuận giảm, giám đốc điều hành Jamie Dimon cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát gia tăng, căng thẳng địa chính trị và sự xói mòn niềm tin người tiêu dùng. 

Tiếp tục xu hướng đi xuống, cổ phiếu Morgan Stanley lùi 0,4% do báo cáo doanh thu ngân hàng đầu tư giảm mạnh, trong khi cổ phiếu Goldman Sachs sụt 3%. Các ngân hàng lớn sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh vào ngày thứ Sáu (15/7) với báo cáo từ Wells Fargo và Citigroup, lần lượt giảm 0,8% và 0,3% trong phiên giao dịch ngày 14/7.

Đà suy giảm từ JPMorgan, Goldman Sachs và American Express khiến Dow Jones lao dốc trong ngày thứ Năm. Năng lượng, nguyên vật liệu và tài chính là những lĩnh vực giảm manh nhất thuộc chỉ số S&P 500. Cổ phiếu Mosaic giảm 5,7%. Trong khi đó, cổ phiếu các công ty năng lượng Halliburton, Diamondback Energy và EOG Resources cũng giảm hơn 3%.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn biến động trái chiều trong phiên giao dịch, với lĩnh vực công nghệ thông tin tăng gần 1%. Cổ phiếu Apple nhích 2% và cổ phiếu Nvidia tăng hơn 1%. Cổ phiếu Meta Platforms và Salesforce đềugiảm.

Chuyên gia Jamie Fahy từ Citigroup đánh giá: “Chúng tôi dự báo cổ phiếu sẽ tiếp tục đi xuống bởi kỳ vọng lợi nhuận tăng quá cao trong thời gian qua”.

Phiên giao dịch ảm đạm trên sàn Phố Wall diễn ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6 của Mỹ tăng nóng ở mức 9,1%, thúc đẩy FED phải mạnh tay hơn trong chính sách tiền  tệ và suy đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản.

Phát biểu của ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng Thống đốc FED, góp phần củng cố thêm cơ sở cho dự báo đó khi ông nói bản thân đang cân nhắc một mức tăng cao hơn so với các lần tăng lãi suất trước. 

Các chuyên gia tại công ty nghiên cứu BCA lưu ý trong một báo cáo: “Giới đầu tư nhận định chính sách của FED sẽ phụ thuộc lớn vào dữ liệu thực tế, và cơ quan này sẽ tiếp tục siết chính sách tiền tệ cho tới khi lạm phát đạt đỉnh. Lạm phát cao buộc FED phải tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp vào ngày 26-27/7 tới, nhưng chúng ta sẽ có 8 tuần để các dữ liệu kinh tế được cải thiện trước khi ngân hàng trung ương Mỹ nhóm họp trở lại trong tháng 9”.

Trong khi đó, báo cáo chỉ số giá sản xuất PPI trong tháng 6 của Mỹ - thước đo giá trả cho các nhà sản xuất hàng hoá và dịch vụ, cho thấy giá bán buôn tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái  khi giá năng lượng tăng vọt và cung cấp thêm thông tin chi tiết về áp lực lạm phát.