Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm những dữ liệu kinh tế khả quan hơn dự báo và chuẩn bị cho quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 1/11, chỉ số Dow Jones giảm 79,75 điểm (tương đương 0,24%) xuống còn 32.653,20 điểm, S&P 500 mất 0,41% về mức 3.856,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng sụt 0,89% xuống 10.890,85 điểm.
Cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall khởi sắc ở đầu phiên, song đảo chiều đi xuống khi đóng cửa phiên giao dịch sau khi báo cáo về số lượng công việc cần tuyển dụng trong tháng 9 cho thấy thị trường việc làm vẫn vững vàng.
Thông tin tích cực về thị trường lao động khiến nhà đầu tư lo ngại Fed có lý do để giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát thay vì giảm bớt sự cứng rắn này như kỳ vọng trước đó của nhà đầu tư.
Ông Randy Frederick - Giám đốc phụ trách mảng giao dịch và phái sinh của công ty nghiên cứu tài chính Schwab Center for Financial Research nhận định với hãng tin CNBC: “Bất kỳ khi nào đón nhận tin tích cực, thị trường đều thể hiện sự bi quan, vì tin tốt về kinh tế đồng nghĩa Fed có thể sẽ phải thắt chặt hơn nữa và có thể duy trì chính sách này trong thời gian dài hơn nữa. Chúng ta vẫn đang ở trong chu kỳ mà tin xấu về kinh tế mới chính là tin tốt”.
Mức độ giảm điểm của các chỉ số chính trong phiên này được hạn chế phần nào nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn nỗi lo ngại trước đó của thị trường. Xu hướng này được kéo dài bằng báo cáo doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn dự báo của hãng dược Pfizer. Cổ phiếu Uber cũng tăng gần 12%, cũng nhờ doanh thu tốt hơn kỳ vọng.
Trong quý III, các doanh nghiệp ở Mỹ đã chật vật vì lạm phát cao, lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên, nhưng các báo cáo tài chính nhìn chung không xấu như dự báo.
Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 10, trong đó Dow Jones leo dốc gần 14% - đánh dấu tháng tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 1/1976. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng tương ứng 8% và 3,9%. Sự vượt trội của Dow Jones được cho là kết quả của xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển khỏi cổ phiếu công nghệ và mua mạnh các nhóm cổ phiếu truyền thống như ngân hàng và công nghiệp.
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ hướng sự tập trung vào Fed, khi cơ quan này sẽ công bố chính sách lãi suất mới sau khi kết thúc cuộc họp chính sách vào chiều 2/11 theo giờ địa phương. Nhà đầu tư cũng chờ đợi cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm kiếm những tín hiệu về sự giảm tốc của lãi suất.
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng Fed một lần nữa tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa phạm vi lãi suất lên 3,75% tới 4%. Giới đầu tư đang gia tăng lo ngại Fed chưa sớm thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ trong một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát.
Bà Lauren Goodwin, chuyên gia kinh tế và chiến lược danh mục tại công ty đầu tư New York Life Investments, cho biết Fed có thể tăng lãi suất ở mức 0,5% trong tháng 12 tới, song kịch bản Fed bắt đầu giảm lãi suất còn lâu mới xảy ra, nhiều khả năng phải đến năm 2024 thì chính sách tiền tệ mới mang tính hỗ trợ mới quay trở lại.
Theo chuyên gia Goodwin, đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022 đang bắt đầu tác động tới nền kinh tế thực. Tuy nhiên, Fed sẽ cần thấy dữ liệu hợp lý trong vài tháng rồi mới thay đổi chính sách.