Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ "nằm im" chờ báo cáo lạm phát

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên ngày 9/4 khi nhà đầu tư lo ngại dữ liệu CPI tháng 3 sắp được công bố có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed.

Chứng khoán Mỹ đi ngang trong phiên 9/4. Ảnh: Getty
Chứng khoán Mỹ đi ngang trong phiên 9/4. Ảnh: Getty

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones sụt 9,13 điểm, tương đương 0,02%, về mức 38.883,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,14%, lên 5.209,91 điểm và Nasdaq Composite cũng cộng 0,32%, đạt 16.306,64 điểm.

Trong ngày 10/4 theo giờ địa phương, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. Đây là một dữ liệu quan trọng, phản ánh tình trạng lạm phát ở Mỹ, đồng thời định hình rõ nét hơn kỳ vọng của thị trường về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ không thay đổi nhiều. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo CPI tháng 3 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng 2.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu CPI để dự đoán thời điểm Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện tại, xác suất dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6 tới là 42%, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Chiến lược gia trưởng đầu tư Sam Stovall tại CFRA Research nhận định: “Thị trường đã chao đảo trong một tuần qua khi nhà đầu tư lo ngại dữ liệu kinh tế có thể cản trở cam kết về hạ lãi suất của Fed. Chỉ số CPI toàn phần hoặc CPI lõi mạnh hơn dự kiến có thể tạo ra chất xúc tác cho sự điều chỉnh”. 

Trong khi đó, ông Jamie Cox, đối tác quản lý của Harris Financial Group, lưu ý rằng đợt bán tháo vừa qua cũng có thể là phản ứng theo mùa, trước Ngày Thuế (thời điểm người dân phải nộp tờ khai hoàn thuế thu nhập cá nhân).

“Có rất nhiều người bán tài sản để nộp thuế, điều này vẫn xảy ra hàng năm. Vì vậy, diễn biến ngày 9/4 là sự kết hợp của nhiều yếu tố” - chuyên gia Cox nhận định.

Theo ông Yung-Yu Ma, giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management, diễn biến trong phiên ngày 9/4 cho thấy thị trường đang đặt câu hỏi rằng liệu đợt tăng mạnh mẽ trước đó đã đi quá xa, quá nhanh hay không. 

“Tôi nghĩ mối lo ngại chung của thị trường hiện nay là có hay không khả năng một số triển vọng tăng trưởng không xuất hiện nhanh chóng hoặc mạnh mẽ như những gì đã được định giá” - chuyên gia  Ma cho hay.

Ngoài Nvidia, một số cổ phiếu liên quan đến cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu cũng giao dịch ảm đạm trong phiên ngày thứ Ba, theo chuyên gia Ma. “Một số cổ phiếu đóng vai trò thúc đẩy cuộc cách mạng AI đang gặp khó khăn trong phiên vừa qua. Tôi nghĩ vấn đề là do chúng ta lại đi quá xa và quá nhanh” -  vị chuyên gia nói thêm.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng lĩnh vực sản xuất hàng hóa của Mỹ vẫn đối mặt những “cơn gió ngược”. Theo nhà kinh tế trưởng Nela Richardson của ADP, lĩnh vực sản xuất, vốn đang chịu áp lực  trong môi trường lãi suất cao, có thể vẫn chưa hết khó khăn.

“Dữ liệu CPI nóng hơn dự báo có thể ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed, do đó ngành sản xuất vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua. Sản xuất là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất khi Fed giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Đồng thời, lạm phát gia tăng cũng sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực này”, chuyên gia Richardson nói với đài CNBC.

Ông David Bahnsen, giám đốc đầu tư của The Bahnsen Group cảnh báo rằng bất kỳ dữ liệu nào nằm ngoài kỳ vọng của Phố Wall đều có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường.