Theo CNBC, chốt phiên đầu tuần, chỉ số S&P 500 cộng 0,76% lên 4.927,93 điểm, vượt kỷ lục cũ 4.894,16 điểm thiết lập hôm 25/1 vừa qua. Chỉ số Dow Jones tăng 224,02 điểm (tương đương 0,59%) lên mức 38,333.45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng leo dốc 1,12% lên 15.628,04 điểm.
Đây là phiên thứ 6 liên tiếp chỉ số Dow Jones và S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục.
Trong tuần này, khoảng 19% doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ công bố báo cáo tài chính quý 4/2023.
Các công ty công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) như Microsoft, Apple, Meta, Amazon và Alphabet sẽ báo cáo kết quả kinh doanh. Giới đầu tư cũng sẽ quan tâm đến báo cáo lợi nhuận của một số cổ phiếu thành phần của Dow Jones như Boeing và Merck.
Vào ngày 30/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 97% Fed không thay đổi lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách sắp tới.
Phố Wall cũng đón nhận một báo cáo việc làm tổng thể tháng 1 từ Bộ Lao động Mỹ - dữ liệu quan trọng sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất cũng như các quyết sách của Fed trong thời gian tới.
Chuyên gia trưởng về đầu tư cổ phiếu Chris Larkin tại E-Trade, đánh giá với đài CNBC: “Đây sẽ là một tuần quan trọng. Nếu thị trường muốn duy trì đà phục hồi mạnh mẽ gần đây, kết quả kinh doanh của Big Tech không gây thất vọng, tin tích cực liên quan đến lãi suất của Fed, số liệu việc làm vẫn tăng trưởng ổn định nhưng không quá nóng”.
Với dữ liệu gần đây cho thấy một nền kinh tế mạnh mẽ và lạm phát có xu hướng giảm, hy vọng về một kịch bản Goldilocks (nền kinh tế hạ cánh mềm) đã tăng lên.
Theo chuyên gia về đầu tư tài sản Phillip Nelson tại công ty NEPC, các nhà đầu tư cổ phiếu hiện đang chuyển hướng sang đánh giá triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh kỳ vọng về việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất ngày càng mờ nhạt.
Chiến lược gia đầu tư John Stoltzfus của Oppenheimer nói rằng Fed chưa sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ dù dữ liệu lạm phát tích cực.
Theo vị chuyên gia này, Fed có thể sẽ đợi đến nửa cuối năm nay để bắt đầu hạ lãi suất. Đồng thời, ông Stoltzfus lưu ý, mặc dù Fed vẫn kiên định với mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2%, cơ quan này cũng “đặc biệt nhạy cảm về những tác động của chiến dịch kiềm chế lạm phát đối với nền kinh tế”.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Ed Yardeni - Giám đốc cấp cao của Yardeni Research, cho rằng Fed nên giữ nguyên lãi suất trong một thời gian nữa.
“Tôi nghĩ rằng Fed chưa cần phải vội vàng nới lỏng chính sách ngay lập tức. Có nguy cơ cuộc xung đột tại Trung Đông sẽ dẫn đến kịch bản tương tự như những năm 1970 do cú sốc khủng hoảng năng lượng. Nếu Fed nới lỏng và trở nên quá ôn hòa, họ có thể gặp phải kịch bản bong bóng tài chính như những năm 1990” - vị chuyên gia nhận định với CNBC.
Fed sẽ có quyết định về lãi suất vào ngày 31/1. Hai cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào 20/3 và 1/5.