Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư đặt cược vào Fed, Dow Jones vọt hơn 700 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong ngày 6/1 sau khi các dữ liệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.

Chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc trong phiên ngày 6/1. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc trong phiên ngày 6/1. Ảnh: Reuters

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt đi lên trong phiên thứ Sáu khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt bởi lạm phát đang dần được kiểm soát.

Theo CNBC, chốt phiên ngày 6/1, chỉ số Dow Jones tăng 700,53 điểm, tương đương 2,13%, đạt 33.630,61 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 2,28%, chốt ở 3.895,08 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cũng cộng 2,6%, lên mức 10.569,29 điểm.

Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 30/11/2022 và của Nasdaq Composit kể từ ngày 29/12/2022. Tất cả các cổ phiếu thành viên của Dow Jones cùng leo dốc phiên này.

Phiên giao dịch khởi sắc trong ngày thứ Sáu đã giúp chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng trong tuần đầu tiên của năm 2023. Tính chung trong tuần, Dow Jones và S&P 500 đều tăng 1,5%, còn Nasdaq Composite cộng 1%.

Báo cáo việc làm và chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) phi sản xuất tháng 12/2022 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 223.000 việc làm, cao hơn mức 200.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Ngoài ra, tăng trưởng tiền lương trong tháng chậm hơn dự báo, với mức tăng tháng đạt 0,3% so với mức dự báo tăng 0,4%.

Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, nhận định với CNBC: “Tất cả những gì nhà đầu tư quan tâm là số liệu mới công bố cho thấy lạm phát đang đi về phía mục tiêu của Fed. Quan trọng nhất là tiền lương theo giờ cho thấy lạm phát tiếp tục giảm tốc, đó là điều khiến nhà đầu tư hưng phấn”.

Lực đẩy cho chứng khoán Mỹ trong phiên này cũng đến từ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ tháng 12/2022 cho thấy sự suy giảm - một dấu hiệu khác về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 7 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed trong năm 2022.

Phát biểu với Reuters, giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence Capital Management nhận định: “Tin tốt của ngày hôm nay liên quan đến vấn đề lạm phát là tiền lương đang tăng chậm lại. Bên cạnh đó, chỉ số PMI của ngành dịch vụ thực sự yếu, cũng là một tin tốt nữa”.

Chuyên gia Horneman giải thích thêm rằng các chỉ số chính sàn Phố Wall phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu khi kỳ vọng Fed đang tiến gần tới kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, Giám đốc đầu tư John Augustine của Huntington National Bank, cho rằng nhà đầu tư đã bớt lo ngại về việc Fed sẽ tăng lãi suất nhiều đến mức gây ra suy thoái. “Các báo cáo ngày hôm nay có thể đã giải toả những nỗi lo về suy thoái kinh tế. Fed có thể đã khiến nền kinh tế giảm tốc ở mức vừa phải. Họ chỉ còn chờ báo cáo lạm phát nữa là xác định được đã quyết định đúng hay chưa” - ông Augustine nói.

Theo Reuters, trong tuyên bố đưa ra hôm 6/1, giới chức Fed cũng thừa nhận tăng trưởng tiền lương đã chậm lại và những dấu hiệu khác cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế.

Ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, phát tín hiệu rằng lãi suất Fed có thể chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 2 tới.

Tuy nhiên, theo chuyên gia John Augustine của Huntington National Bank, Fed cần chứng kiến lạm phát giảm tốc thêm trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới, trước khi đưa ra quyết định giảm thêm nhịp độ tăng lãi suất. Trong cuộc họp chính sách tháng 12/2022, Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, sau 4 đợt tăng liên tiếp với mức tăng 0,75 điểm phần trăm mỗi lần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần