Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư “nhẹ lòng” với FED, Dow Jones tăng gần 200 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong phiên ngày 25/5 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu quyết mạnh tay kiểm soát lạm phát.

Chỉ số Dow Jones vọt 191,66 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 25/5. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones vọt 191,66 điểm khi khép phiên giao dịch ngày 25/5. Ảnh: CNBC

Phố Wall khởi sắc trong ngày thứ Tư khi biên bản cuộc họp chính sách trong tháng 5 của FED cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhất trí rằng nền kinh tế đang đủ mạnh để chống chọi với chính sách thắt chặt tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát mà không rơi vào suy thoái.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones vọt 191,66 điểm, tương đương 0,6%, lên mức 32.120,28 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0.9% lên  3.978.73 điểm, và Nasdaq Composite nhích 1,5% lên mức 11.434,74 điểm. Cả ba chỉ số hiện nay đều đang có mức điểm cao hơn so với đầu tuần. Tính đến cuối tuần trước, Dow Jones đã có 8 tuần sụt giảm liên tiếp, S&P 500 và Nasdaq cũng đã mất điểm 7 tuần liên tục.

Biên bản cuộc họp tháng 5 được FED công bố ngày thứ Tư cho thấy phần lớn các thành viên của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan quyết định lãi suất trong FED - nhất trí rằng việc tăng mạnh lãi suất “có thể sẽ phù hợp” trong các cuộc họp vào tháng 6 và tháng 7 tới. FED đã nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5, mức tăng mạnh nhất 22 năm. Biên bản là một tín hiệu cho thấy việc mức độ nâng lãi suất này có thể được áp dụng lại trong hai cuộc họp tới.

“Phần lớn các thành viên dự họp nhận định rằng việc tăng khoảng lãi suất mục tiêu thêm 50 điểm cơ bản là quyết định phù hợp những cuộc họp sắp tới,” biên bản nêu rõ.

Bên cạnh đó, các quan chức FED còn cho rằng “lập trường chính sách thắt chặt có thể sẽ trở thành quan điểm hợp lý, tùy thuộc vào sự biến đổi của triển vọng kinh tế và những rủi ro đối với triển vọng đó”.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang sau khi FED công bố biên bản họp, dao động ở mức 2,75%. Gần đây, lo ngại của nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đã chuyển từ vấn đề lãi suất cao sang nguy cơ suy thoái kinh tế khi lạm phát giá tiêu dùng đang ở sát mức cao nhất 40 năm.

Ông Peter Boockvar - Giám đốc đầu tư tại công ty Bleakley Advisory, đánh giá: “Biên bản họp FED không cung cấp thông tin gì mới, nhưng thị trường không muốn đón nhận thêm nhận định nào mang tính diều hâu hơn so với những gì đã được ngân hàng trung ương Mỹ công bố”.

Ngành bán lẻ vẫn là trọng tâm của sàn Phố Wall trong ngày thứ Tư, dẫn dắt thị trường khởi sắc sau khi các chỉ số chính mất điểm ở đầu phiên. Nhóm cổ phiếu bán lẻ hồi phục mạnh ở cuối phiên sau khi một báo cáo cho hay các nhà đầu tư lớn vẫn đang cạnh tranh mua lại chuỗi siêu thị Kohl’s. Cổ phiếu Kohl’s vọt lên 11,9%. Target và Macy’s lần lượt tăng 4,3% và 9,1%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Retail ETF cũng leo dốc 6,8%.

Nordstrom - một cổ phiếu bán lẻ khác - bứt phá 14% sau khi thông báo doanh thu cao hơn kỳ vọng của giới phân tích và nâng dự báo kết quả kinh doanh cả năm. Best Buy tăng gần 9% dù bị các nhà phân tích ở Barclays hạ bậc khuyến nghị.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng phục hồi và tác động tích cực lên thị trường chung. Cổ phiếu Intuit tăng vọt 8,2% sau khi công ty phần mềm thuế công bố doanh thu và lợi nhuận hàng quý tốt hơn dự báo, đồng thời nâng triển vọng trong quý II. Cổ phiếu DocuSign và Zoom Video đều tăng hơn 8%, còn cổ phiếu Nvidia cộng 5%.

Hàng tiêu dùng không thiết yếu và năng lượng là 2 lĩnh vực ghi nhận  kết quả tốt nhất thuộc S&P 500, lần lượt tăng 2,8% và gần 2%.