Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ phân hóa, S&P 500 thăng hoa nhờ cổ phiếu năng lượng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp nhờ đà đi lên của cổ phiếu năng lượng.

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên đầu tiên của quý II. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên đầu tiên của quý II. Ảnh: AP

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong ngày 3/4 sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ quyết định giảm sản lượng dầu hơn 1,1 triệu thùng/ngày.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, chỉ số Dow Jones tăng 0,98% lên mức 33.601,15 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,37% lên 4.124,51 điểm. Đây là phiên leo dốc thứ 4 liên tiếp của cả 2 chỉ số này. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,27% còn 12.189,45 điểm.

Cổ phiếu năng lượng có một phiên giao dịch khởi sắc, với mức tăng 4,9% của nhóm năng lượng trong chỉ số S&P 500, sau khi OPEC+ thông báo giảm sản lượng thêm khoảng 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Giới chuyên gia cho rằng quyết định bất ngờ của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên ngưỡng 100 USD/thùng. Các cổ phiếu Chevron, Exxon Mobil và Occidental Petroleum đồng loạt vọt hơn 4%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Tesla giảm 6,1% trong phiên giao dịch sau khi hãng xe điện do tỷ phú Elon Musk điều hành công bố lượng xe giao quý I chỉ tăng 4% so với quý trước đó, cho dù hãng đã mạnh tay giảm giá xe hồi tháng 1 để kích cầu.

Tuy nhiên, triển vọng giá dầu tăng lại gia tăng lo ngại về lạm phát ở Phố Wall, mặc dù số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát tăng chậm lại đã củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm chấm dứt chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay.

Theo chiến lược gia về năng lượng Stephen Ellis của công ty dịch vụ tài chính Morningstar, việc giá dầu đi lên sẽ khiến thị trường Phố Wall thêm bất an vì giá nhiên liệu tăng cao sẽ làm cho vấn đề lạm phát thêm trầm trọng.

Về dữ liệu kinh tế, tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 cũng được cải thiện khi các cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) và S&P Global cho thấy hoạt động sản xuất yếu đi trong tháng 3.

Phát biểu với CNBC, nhà kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank, nói rằng chỉ số ISM thấp hơn dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế giảm tốc càng củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp tháng 5 tới.

Tuy nhiên, chuyên gia Comerica lưu ý rằng ngân hàng Trung ương Mỹ cũng có thể tiếp tục nâng lãi suất nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong tháng 4 tiếp tục tăng cao hơn dự báo.

Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 56% Fed tăng lãi suất 0,25% trong cuộc họp tháng 5 và xác suất Fed giữ nguyên lãi suất là 44%.

Trong quý I vừa qua, bất chấp khủng hoảng ngân hàng, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 7% và 16,8%. Chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2020. Dow Jones nhích lên 0,38% trong quý I.

Mặc dù vậy, chuyên gia phân tích thị trường Ed Moya của OANDA cho rằng đà phục hồi gần đây của thị trường Phố Wall khó có thể kéo dài. Ông Ed Moya lưu ý thêm: “Bối cảnh vĩ mô hiện nay không phù hợp cho một đợt tăng mạnh của thị trường cổ phiếu. Nền kinh tế có nguy cơ cao rơi vào suy thoái khi tiêu dùng rõ ràng đang suy yếu, hoạt động cho vay giảm sút, giá nhiên liệu diễn biến khó lường và chính sách tiền tệ đang cản trở hoạt động kinh doanh”.

Giới đầu tư đang tập trung vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I, trong đó các ngân hàng lớn sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo. Theo đó, nhà đầu tư sẽ nắm được chi tiết về tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng Mỹ nói chung sau vụ sụp đổ gần đây của 3 ngân hàng khu vực ở nước này.

Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4 sẽ bị rút ngắn do nhà đầu tư nghỉ lễ vào ngày thứ Sáu (7/4).