Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones leo dốc 466,36 điểm, tương đương 1,47%, lên mức 32.196,66 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 2,39% vọt lên 4.023,89 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,82% lên mức 11.805 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của S&P 500 kể từ ngày 4/5/2022 và của Nasdaq kể từ tháng 11/2020.
Tuy nhiên, cả 3 chỉ số cùng ghi nhận tuần giảm điểm. Trong đó, Dow Jones sụt 2,14%, đánh dấu chuỗi 7 tuần giảm đầu tiên kể từ năm 2001. Chỉ số S&P 500 mất 2,4% và có chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ 2011. Nasdaq Composite cũng giảm 2,8% trong tuần.
Chiến lược gia đầu tư Sam Stovall của CFRA nhận định: “Thị trường cổ phiếu không thể cứ liên tục đi xuống. Ngay cả trong những đợt điều chỉnh và có nguy cơ xuất hiện tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống, vẫn có những đợt phục hồi nhẹ. Đó là điều đã diễn ra trên thị trường ngày hôm nay”.
Tất cả các nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc chỉ số S&P 500 cùng giao dịch khởi sắc trong phiên ngày thứ Sáu, dẫn đầu là các nhóm tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ, với mức tăng lần lượt 4,1% và 3,4%. Đà hồi phục trên diện rộng còn thể hiện ở việc khoảng 95% số cổ phiếu trong S&P 500 cùng tăng điểm khi đóng cửa phiên giao dịch.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn bị bán tháo dữ dội trong những phiên gần đây, là một trong những lực lượng dẫn đầu sự hồi phục trong phiên này. Meta và Alphabet tăng tương ứng 3,9% và 2,8%. Tesla cũng cộng 5,7%, trong khi Nvidia và AMD tăng hơn 9% mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu Apple tiến 3,2%, thoát khỏi rơi vào vùng thị trường "con gấu", hay còn gọi là một sự suy giảm chung trong thị trường chứng khoán qua một khoảng thời gian
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Twitter mất 9,7% sau khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố tạm hoãn thương vụ mua lại mạng xã hội này vì muốn chờ chi tiết cụ thể về tỷ lệ tài khoản giả mạo. Trước khi thị trường chính thức mở cửa, Twitter có lúc giảm gần 20%.
Thị trường Phố Wall đã giảm liên tiếp trong những tháng gần đây, bắt đầu với nhóm cổ phiếu công nghệ không sinh lời tăng trưởng cao vào cuối năm ngoái và lan sang cả những cổ phiếu công ty có dòng tiền lành mạnh trong những tuần gần đây. Đà lao dốc đó đã xoá sạch phần lớn thành quả tăng điểm mạnh kể từ mức đáy vào tháng 3/2020.
Một trong những lý do khiến thị trường cổ phiếu sa sút những tuần gần đây là lạm phát liên tục tăng cao và lo ngại việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Chủ tịch FED Jerome Powell nói với NPR hôm 12/5 rằng ông không thể đảm bảo nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” khi FED chống lạm phát, tức là việc kiềm chế giá cả có khả năng sẽ gây ra suy thoái.
Đến hiện tại, S&P 500 và Dow Jones đều tránh được trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, nhưng phiên hồi phục này không có nghĩa là mọi sóng gió đã qua, theo chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial.
“Chúng tôi cho rằng rủi ro giảm điểm không còn quá lớn, nhưng thị trường vẫn có thể tiếp tục đi xuống”, ông Detrick nhận định, và lưu ý thêm rằng các thời kỳ thị trường đầu cơ giá xuống thường có mức giảm bình quân từ 23-25% so với đỉnh nếu không xảy ra suy thoái kinh tế.