Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Quan ngại về suy thoái kinh tế, Dow Jones sụt gần 500 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu khi lãi suất tăng và biến động ngoại tệ làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 23/9. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 23/9. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 23/9, chỉ số Dow Jones lao dốc 486,27 điểm, tương đương 1,62%, xuống còn 29.590,41 điểm. Trong khi đó, S&P 500 sụt 1,72% về mức 3.693,23 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1,8% xuông còn 10.867,93 điểm.

Dow Jones có thời điểm rớt hơn 826 điểm và chốt phiên ghi nhận dưới mốc 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 17/6/2022. Chỉ số này đã giảm 19,9% so với mức cao kỷ lục trong phiên, tiến sát vùng “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống).

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chứng kiến tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp trong 6 tuần gần đây. Chỉ số Dow Jones mất 4%, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm tương ứng 4,65% và 5,07%.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu cũng như nhiều loại hình tài sản rủi ro khác bắt đầu xuất hiện kể từ khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu tại hội nghị Jackson Hole hồi tháng 8. Tại hội nghị trên ông Powell khẳng định quyết tâm trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed thông qua một loạt các bước tăng lãi suất.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục biến động mạnh trong tuần này sau khi lãnh đạo Fed tái khẳng định quyết tâm đó tại cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 20-21/9.

Kết thúc họp chính sách hôm  21/9, Fed thông báo tăng lãi suất 0,75% lần thứ ba liên tiếp, nâng lãi suất điều hành lên ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm 2008, đồng thời khẳng định quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không sớm dừng lại. 

Bà Quincy Krosby, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại LPL Financial, nhận xét: “Thị trường đang chuyển dịch một cách nhanh chóng và rõ ràng từ nỗi lo về lạm phát sang quan ngại về chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Fed. Lợi suất trái phiếu vọt lên mức đỉnh trong nhiều năm và khiến nhà đầu tư băn khoăn rằng làm sao Fed có thể đạt được ổn định giá cả mà không gây rủi ro cho nền kinh tế”.

Lợi suất trái phiếu tăng vọt trong tuần này sau động thái quyết liệt của Fed, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm tiến lên mức cao chưa từng thấy trong hơn 1 thập kỷ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng 3,695%, tuần tăng thứ 8 liên tiếp trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng lên ngưỡng 4,212%, cao nhất kể từ tháng 10/2007. Giá và lợi suất trái phiếu diễn biến ngược chiều với nhau. 

Nhóm cổ phiếu được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất trong cuộc suy thoái dẫn đầu đà lao dốc trên sàn Phố Wall trong tuần này, với lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu thuộc S&P 500 sụt 7%. Cổ phiếu năng lượng sụt 9% khi giá dầu giảm. Nhóm cổ phiếu tăng trưởng, bao gồm các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple, Amazon, Microsoft và Meta Platforms cũng nhuộm sắc đỏ vào ngày thứ Sáu.

Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ mục tiêu của chỉ số S&P 500 vào cuối năm do lãi suất tăng mạnh, dự đoán chỉ số này sẽ giảm ít nhất 4% từ mức hiện tại.

Trong khi đó, theo chuyên gia Dirk Willer của ngân hàng Citi, việc Fed kiên quyết theo đuổi quan điểm “diều hâu” hơn trong cuộc chiến chống lạm phát chỉ làm tăng thêm rủi ro về suy thoái kinh tế.  “Khả năng kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2023 đang tăng lên do chính sách diều hâu của Fed, điều này tiếp tục gây áp lực đối với thị trường cổ phiếu trong thời gian tới” - chuyên gia Willer lưu ý với đài CNBC hôm 23/9.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ so với USD sau khi Chính phủ Anh công bố một chương trình cắt giảm thuế quy mô lớn bằng ngân sách từ việc vay nợ nhằm giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua “cơn bão giá” hiện nay.

Đồng Euro cũng giảm mạnh so với đồng bạc xanh. Trái lại, tỷ giá USD tăng bùng nổ sau khi Fed phát tín hiệu rằng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên cao hơn và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, trong ngày 23/9, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên 112,427 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 28/5/2002. Chỉ số USD cũng ghi nhận mức leo dốc 2,74% trong tuần, tăng mạnh nhất  kể từ tháng 3/2020.