Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ tăng 2 tuần liền dù xung đột tại Ukraine chưa hạ nhiệt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần đi lên thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá kế hoạch tăng lãi suất của FED cũng như cuộc xung đột ở Ukraine.

Chỉ số S&P 500 nhích 0,5% và khép phiên giao dịch ngày 25/3 ở mức 4.543,06 điểm. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 nhích 0,5% và khép phiên giao dịch ngày 25/3 ở mức 4.543,06 điểm. Ảnh: CNBC

Thị trường Phố Wall tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 25/3, khép tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục phân tích ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và xung đột Nga-Ukraine.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, Dow Jones Industrial Average tăng 153,3 điểm, tương ứng 0,4%, lên mức 34.861,24 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng nhích 0,5% và khép phiên ở mức 4.543,06 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,2% còn 14.169,30 điểm. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận tuần leo dốc thứ hai liên tiếp với Dow Jones tăng 0,3%, S&P 500 cộng 1,8%, và Nasdaq nhích gần 2%.

S&P 500 hiện cao hơn khoảng 3,9% so với đầu tháng 3, xóa sạch mức giảm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ hồi phục trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và FED dự định sẽ “mạnh tay” hơn trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

“Thị trường Phố Wall vẫn giao dịch khởi sắc dù lãnh đạo FED đưa ra quan điểm diều hâu hơn trong chính sách tiền tệ khi lạm phát tiếp tục tăng cao. Đó là do có nhiều nhà đầu tư tin rằng chẳng gì có thể thay thế được cổ phiếu," Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nói với đài CNBC.

Tuần trước, FED có đợt nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và dự kiến có tổng cộng 7 lần nâng trong năm nay. Đầu tuần này, Chủ tịch FED Jerome Powell cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với vấn đề lạm phát. Ông Powell không loại trừ khả năng đẩy nhanh tốc độ thắt chặt, bao gồm nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, để chống lạm phát.

Trong phiên ngày 25/3, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất trong nhiều năm khi vọt lên mức 2,5%, do nhà đầu tư  dự báo một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. Cổ phiếu tài chính nhờ đó tăng khá mạnh, với Bank of America và Wells Fargo lần lượt tăng 1,5% và 2,4%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghệ lại giảm điểm, qua đó tác động tiêu cực đến chỉ số Nasdaq. Cổ phiếu Zoom sụt 3,2% và DocuSign giảm 3,9% là hai thành viên giảm mạnh nhất của Nasdaq trong ngày thứ Sáu.

Nhà đầu tư trên sàn Phố Wall vẫn đặt niềm tin vào những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể vững vàng ngay cả khi lãi suất tăng nhanh. Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969. Đây là tín hiệu mới nhất về sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường việc làm. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng bản báo cáo việc làm tháng 3 công bố vào tuần tới cũng cho thấy những tín hiệu khả quan tương tự.

Thị trường vẫn đang dõi theo cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày 25/3 đã ký thỏa thuận khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Washington tuyên bố sẽ cùng với các đối tác quốc tế cung cấp ít nhất 15 tỷ mét khối khí hoá lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay và khối lượng cung cấp sẽ tăng dần theo thời gian.