Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall lấy lại đà tăng điểm, trong đó Dow Jones leo dốc gần 600 điểm, S&P 500 có phiên tăng đầu tiên trong 4 phiên khi giới đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào kết quả tích cực từ các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/3, chỉ số S&P 500 cộng 2,1% lên mức 4.262,45 điểm, mặc dù vẫn giảm hơn 11% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones tăng 599,10 điểm, tương đương 1,8%, lên mức 33.544,34 điểm. Nasdaq Composite cũng tăng 2,9% lên mức 12.948,62 điểm.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trở lại trong bối cảnh giới đầu tư đang theo dõi các cuộc đàm phán hòa bình Nga -Ukraine và tác động của các lệnh phong tỏa một phần tại Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng.
Một thông tin quan trọng khác là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc phiên họp định kỳ và công bố chính sách lãi suất vào chiều 16/3. Thị trường dự đoán FED sẽ có đợt nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.
Trong khi đó, giá dầu thế giới chính thức mất mốc 100 USD/thùng sau vài tuần “neo” ở mức 3 con số. Chốt phiên ngày thứ Ba, giá dầu WTI giảm 6,4% về còn 96,44 USD/thùng, sụt mạnh so với mức kỷ lục 130 USD/thùng thiết lập trước đó một tuần. Giá dầu Brent cũng lao dốc 6,5% xuống còn 99,91 USD/thùng.
Ông Sam Stovall - Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA, cho rằng giá dầu hạ nhiệt cùng với dữ liệu về lạm phát là lực đẩy quan trọng giúp thị trường giao dịch khởi sắc.
Trong khi đó, phát biểu với hãng tin CNBC, ông Julian Emanuel - giám đốc quản lý cấp cao tại Evercore ISI cho biết: "Thị trường dự kiến có 7 đợt tăng lãi suất trong năm 2022. Việc bán tháo trên thị trường hàng hóa làm giảm bớt lo ngại về lạm phát và khi đó, xu hướng tự nhiên là hướng đến các lĩnh vực tăng trưởng hơn".
Các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà đi lên trong phiên ngày thứ Ba sau những phiên giảm điểm gần đây. Cổ phiếu Microsoft và Netflix đều cộng 3,8% sau khi các nhà phân tích Phố Wall khuyến cáo tăng tỷ trọng. Cổ phiếu Oracle nhích 4,5%, trong khi cổ phiếu của các nhà sản xuất chip như Nvidia vọt 7,7% và Advanced Micro Devices tăng 6,9%.
Cổ phiếu hàng không cũng diễn biến tích cực sau khi một số hãng hàng không lớn nâng triển vọng doanh thu. Cổ phiếu của United và American đều tăng hơn 9%, trong khi cổ phiếu Delta cộng 8,7%.
Giá dầu giảm khiến nhóm cổ phiếu năng lượng chịu sức ép, với cổ phiếu Chevron và Exxon đều giảm khoảng 5%. Quỹ SPDR trong lĩnh vực năng lượng sụt khoảng 3,7%, giảm phiên thứ 3 liên tiếp và ghi nhận ngày giao dich tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2021.
Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ cho biết, đà tăng của giá năng lượng đã khiến chỉ số giá sản xuất PPI tháng 2 tăng 0,8% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo tăng 0,9% của Dow Jones. Tuy nhiên, chỉ số PPI cốt lõi, không bao gồm thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, chỉ nhích 0,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo 0,6%.
Theo các chuyên gia, dữ liệu này khiến tâm lý thị trường giảm bớt quan ngại về việc FED sẽ trở nên “quá diều hâu” với vấn đề lãi suất dù ngân hàng trung ương Mỹ được dự báo sẽ lần đầu tiên kể từ năm 2018 tăng lãi suất 25 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát.