Chứng khoán Mỹ: Thị trường vẫn lo ngại về suy thoái, Dow Jones mất 200 điểm

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 31/5, khép lại một tháng đầy biến động, với S&P 500 có thời điểm chớm rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống do lo ngại về suy thoái và lạm phát.

Chỉ số Dow Jones sụt hơn 200 điểm trong phiên ngày 31/5. Ảnh: CNBC,
Chỉ số Dow Jones sụt hơn 200 điểm trong phiên ngày 31/5. Ảnh: CNBC,

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, chỉ số Dow Jones sụt 222,84 điểm, tương đương 0,7%, xuống còn 32.990,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,6% về mức 4.132,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,4% về còn 12.081,39 điểm.

Tính chung trong tháng 5, Dow Jones và S&P 500 gần như đi ngang nhờ đã phục hồi mạnh mẽ trong tuần trước. Chỉ số Nasdaq Composites giảm khoảng 2,1% trong tháng.

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận xét: “Thị trường tiếp tục đánh giá về đà phục hồi mạnh vào cuối tuần trước và nỗ lực tìm phương hướng để đầu tư trong thời gian tới trong bối cảnh vẫn chịu áp lực từ lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt”.

Phiên giao dịch ảm đạm trong ngày 31/5 cho thấy lo ngại lạm phát cao đang đè nặng lên đà tăng trưởng kinh tế. Tại châu Âu, theo số liệu được công bố ngày thứ Ba, lạm phát lập kỷ lục tháng thứ 7 liên tiếp khi vọt lên  mức 8,1% trong tháng 5.

Bên cạnh đó, những diễn biến trên thị trường dầu mỏ cũng đang là một mối quan tâm lớn của nhà đầu tư cổ phiếu. Ngay đầu phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu tăng mạnh sau thông tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm vận dầu Nga nhập khẩu qua đường biển. Sau đó, giá dầu rời khỏi mức đỉnh trong phiên khi tờ Wall Street Journal nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang xem xét dừng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với Nga.

Cổ phiếu năng lượng trở thành nhóm giảm mạnh nhất khi đóng cửa phiên ngày thứ Ba mặc dù là nhóm tăng mạnh nhất vào đầu phiên. Trong đó, Chevron giảm 2% và Schlumberger giảm 4,3%.

Cổ phiếu công nghiệp cũng đi xuống, trong khi đó Honeywell sụt 1,4% và Nucor mất 3,8%.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn phục hồi và hỗ trợ cho các chỉ số, như Amazon tăng 4,4% và Alphabet cộng 1,3%.

Vào đầu tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm nhằm kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất 4 thập kỷ. Thị trường lo ngại rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của FED có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế.

“Lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc hiện đã trở thành quan điểm đồng thuận trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quan ngại này đã được phản ánh hết vào định giá tài sản” - nhà phân tích Mike Wilson của Morgan Stanley lưu ý hôm 31/5.

Cũng trong tháng 5, giới đầu tư trên sàn Phố Wall còn “sốc” với báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng của những công ty lớn như Walmart và Snap. Những báo cáo này được xem là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tiêu dung và bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngoài ra, phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư trong tháng 5 còn là cuộc xung đột Nga-Ukraine và đợt tái bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc – hai vấn đề đặt ra thách thức về giá hàng hóa cơ bản và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong tháng do tác động của những yếu tố tiêu cực. Trong phiên ngày 20/5, chỉ số S&P 500 đã chớm rơi vào thị trường “gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống - giảm 20% so với mức đỉnh), nhưng sau đó đảo ngược được trạng thái này. Trong khi đó, Dow Jones ghi nhận 8 tuần giảm liên tiếp, chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ năm 1923.

Tuần trước, Dow Jones và S&P 500 đều chứng kiến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Tính chung trong tuần, Dow Jones tăng 6,2%, chấm dứt chuỗi lao dốc 8 tuần. S&P 500 leo dốc 6,5% và Nasdaq tăng 6,8%, cùng kết thúc chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính của Phố Wall hiện đều giảm sâu so với mức đỉnh. Dow Jones hiện thấp hơn 10,7% so với mức kỷ lục. S&P 500 sụt 14,2% so với kỷ lục, và Nasdaq giảm 25,5%.

“Thị trường đầu cơ giá xuống rất khó xác định phương hướng vì có mức độ biến động lớn và dễ có những đợt phục hồi mạnh,” nhà phân tích Chris Senyek của Wolfe Research đánh giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần