Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones tăng 294,39 điểm (tương đương 0,76%) lên 38.997,66 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,04% lên mức 5.240,03 điểm, và Nasdaq Composite cũng leo dốc 1,03% lên 16.366,85 điểm. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp.
Sắc xanh bao phủ trên diện rộng, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số S&P 500 đều chốt phiên trong trạng thái tăng. Nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt phục hồi mạnh sau khi giảm sâu trong phiên đầu tuần, trong đó Nvidia và Meta Platforms lần lượt tăng 3,8% và 3,9%.
Giới đầu tư trên sàn Phố Wall cảm thấy yên tâm trở lại khi chứng khoán Nhật hồi phục mạnh. Chỉ số Nikkei 225 tăng 10,2% khi đóng cửa phiên ngày 6/8 và ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ số này đã lao dốc 12,4% trong ngày 5/8 và chứng khiến phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1987.
Chiến lược gia Ross Mayfield của ngân hàng đầu tư Baird nhận định, mức độ biến động của thị trường cổ phiếu vẫn còn cao trong ngắn hạn do các nhà giao dịch tiếp tục rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade).
“Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu vẫn còn áp lực bán cổ phiếu trong vài tuần tới. Mặc dù vậy, tôi cho rằng mối lo về tăng trưởng kinh tế Mỹ đã đi quá mức”- ông Mayfield nói với đài CNBC.
Theo chuyên gia Mayfield, thị trường việc làm ở Mỹ vẫn ổn dù giảm nhiệt, trong khi các chỉ số kinh tế khác còn mạnh. Vị chuyên gia lưu ý thêm: “Tôi tin là biến động thị trường có thể tiếp tục, nhưng nhà đầu tư không nên quá lo lắng về những yếu tố nền tảng của nền kinh tế”.
Trước đó, trong ngày 5/8, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một phiên bán tháo lớn khi nhà đầu tư lo sợ về khả năng nền kinh tế lớn nhất rơi vào một cuộc suy thoái. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm 2,6% và 3%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022, trong khi Nasdaq Composite sụt 3,4%.
Bên cạnh đó, áp lực bán tài sản để dừng chiến lược đầu tư giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất cũng là một nguyên nhân khiến thị trường “đỏ lửa” trong phiên đầu tuần.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất vào tuần trước và phát tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, Động thái này khiến việc vay đồng yen để mua tài sản trên toàn cầu trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, phiên hồi phục ấn tượng trong ngày 6/8 chưa thể khiến giới đầu tư yên tâm, khi các chuyên gia nhận định rằng biến động có thể vẫn sẽ tăng cao trong ngắn hạn khi đồng yen suy yếu trở lại, khiến giao dịch chênh lệch giá có thể lại một lần nữa diễn ra mạnh mẽ. Chốt phiên giao dịch ngày 6/8, đồng USD tăng giá 0,4% so với yen, đạt 144,74 yen đổi 1 USD.
Theo chuyên gia Peter Oppenheimer của ngân hàng Goldman Sachs, đợt điều chỉnh gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể chưa hoàn toàn chấm dứt. Vị chuyên gia của Goldman Sachs lưu ý thêm rằng các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý tiếp tục đón nhận đợt biến động mới sau đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên đầu tuần.