Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bùng nổ nhờ Fed, có tuần tăng mạnh nhất trong năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc nhờ kỳ vọng vào đợt nới lỏng chính sách đầu tiên của Fed.

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 cộng 0,54% lên 5.626,02 điểm và hiện chỉ thấp hơn 1% so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập  vào tháng 7.

Chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: aa.com
Chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: aa.com

Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,65% lên 17.683,98 điểm. Cả 2 chỉ số này đều ghi nhận 5 phiên leo dốc liên tiếp. Chỉ số Dow Jones cũng leo dốc 297,01 điểm (tương đương 0,72%) lên mức 41.393,78 điểm.

Tiện ích, dịch vụ truyền thông và công nghiệp là những nhóm giữ vai trò dẫn dắt phiên giao dịch khởi sắc của thị trường Phố Wall, với mức tăng khoảng 1% được ghi nhận ở mỗi nhóm.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đẩy mạnh mua gom các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu chip - những lĩnh vực đã đóng góp nhiều vào sự phục hồi của toàn thị trường trong tuần này sau khi bị bán tháo mạnh hồi đầu tháng này.

“Giới đầu tư đang cảnh giác với những đợt biến động tiếp theo, đặc biệt khi xét đến những kỳ vọng xung quanh cuộc họp chính sách của Fed” - bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu của LPL Financial, nhận định.

Theo vị chuyên gia này, dữ liệu lịch sử cho thấy cổ phiếu thường ghi nhận kết quả tiêu cực trong nửa cuối tháng 9. 

Tính chung trong tuần, chỉ số S&P 500 nhảy vọt 4% và Nasdaq tăng 5,9%, đánh dấu tuần tăng tốt nhất từ đầu năm đến nay của mỗi chỉ số. Chỉ số Dow Jones tăng 2,6% trong tuần.

Nhà đầu tư ở Phố Wall đang mong chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 17-18/9, với kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng quyết định hạ lãi suất ở mức 0,25%. Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 25 năm.

Tuần qua, hai bản báo cáo lạm phát đã ủng hộ cho kịch bản Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 đã tăng 0,2% so với tháng 7, phù hợp với dự báo của thị trường.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hoàn toàn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tuần tới, với xác suất 57% lãi suất sẽ giảm 0,25% và xác suất 43% lãi suất sẽ giảm 0,50%. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.

Chuyên gia đầu tư kỳ cựu Jdohn Paulson cho rằng Fed nên bắt đầu hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới.

"Tôi nghĩ quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed là quá muộn. Tôi tin rằng lãnh đạo Fed đã đủ tự tin để có thể bắt đầu hạ lãi suất, và tôi cho rằng họ cần hành động quyết liệt hơn, đó là giảm lãi suất ở mức 0,5%” - ông Paulson nói với đài CNBC.

Theo Khảo sát người tiêu dùng vừa được Đại học Michigan công bố, niềm tin của người tiêu dùng đã cải thiện trong tháng 9, trong khi kỳ vọng lạm phát ngắn hạn tụt xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm. 

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã lên mức 69, tăng từ 67,9 vào tháng 8 và tốt hơn ước tính của Dow Jones là 68,4. Trong khi đó, triển vọng lạm phát trong một năm tới đã giảm xuống 2,7% - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, triển vọng lạm phát trong 5 năm tới đã leo lên 3,1%, cao nhất kể từ tháng 11/2023./.