70 năm giải phóng Thủ đô

Chứng khoán Mỹ tiếp tục thăng hoa, chỉ số Dow Jones tăng hơn 150 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nối tiếp đà leo dốc mạnh của tuần trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên đầu tuần dù thị trường đón nhận dữ liệu ảm đạm của kinh tế Trung Quốc.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên đầu tuần. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên đầu tuần. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 15/8, chỉ số Dow Jones tăng 151,39 điểm (tương đương 0,45%) lên 33.912,44 điểm. Trong khi đó, S&P 500 cộng 0,4% lên mức 4.297,14 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,62% lên 13.128,05 điểm.

Lần đầu tiên từ ngày 20/4, chỉ số Dow Jones chốt phiên cao hơn ngưỡng trung bình động 200 ngày - chỉ dấu quan trọng dự báo khả năng tăng điểm trong thời gian tới. 

Có 9/11 lĩnh vực thuộc chỉ số S&P 500 leo dốc, trong đó lực đẩy quan trọng  là nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và tiện ích. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên liệu sụt điểm do diễn biến xấu của giá cả hàng hóa toàn cầu. 

Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong sắc đỏ do chịu sức ép của nhóm năng lượng và tài chính, sau đó hồi phục ở cuối phiên.

Dữ liệu kinh tế kém lạc quan từ Trung Quốc khiến thị trường có phần cảnh giác, khi sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 7 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ, giảm so với mức 3,9% trong tháng 6 và thấp hơn dự báo 4,5% của các chuyên gia kinh tế. Ngay trong ngày 15/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ thông báo hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc làm gia tăng áp lực lên kinh tế toàn cầu, vốn chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu leo thang tại châu Âu, khủng hoảng tài chính tại một số nền kinh tế mới nổi và quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ. 

Phiên tăng điểm của sàn Phố Wall diễn ra bất chấp số liệu gây thất vọng của kinh tế Trung Quốc và quyết định giảm lãi suất nằm ngoài dự báo của PBOC - diễn biến làm dấy lên lo ngại mới về triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chuyên gia Keith Lerner của Truist nhận định với hãng tin CNBC: “Tôi cho rằng thị trường đã khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an trong suốt thời gian qua. Trên thực tế, diễn biến trên sàn Phố Wall cũng phản ánh rõ ràng sự chuẩn bị tâm lý của giới đầu tư trước những thông tin kém khả quan. Vì vậy, khi đón nhận dữ liệu kém tích cực, thị trường không còn bị ảnh hưởng quá nhiều”.

Chứng khoán Mỹ bắt đầu giai đoạn phục hồi mạnh từ giữa tháng 6. Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đã qua mức đỉnh làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất từ tháng 9 tới. Điều đó đã kéo giảm lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, tạo động lực tăng điểm cho thị trường chứng khoán.

Trong ngày 15/8, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống ngưỡng 2,79%.

Một số nhà đầu tư nhận định chứng khoán đã giảm điểm quá nhiều trong năm nay, biến nó trở thành một cơ hội đầu tư hiếm có.

Chỉ số S&P 500 vừa có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 2021 sau khi dữ liệu kinh tế cho thấy áp lực lạm phát dường như đã hạ nhiệt. Nasdaq Composite và Dow Jones cũng tăng điểm vào tuần trước.

Ryan Detrick - giám đốc chiến lược thị trường tại Carson Group, cho biết, diễn biến lạc quan trên sàn Phố Wall là hoàn toàn bình thường sau khi chứng kiến 4 tuần tăng liên tiếp.

Tâm điểm của nhà đầu tư trong tuần này là doanh số bán lẻ tại Mỹ và báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ lớn như Home Depot, Walmart và Target để có đánh giá rõ hơn về tác động của lạm phát tới chỉ số tiêu dùng của người dân. 

Hơn 90% công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 hiện đã công bố báo cáo thu nhập quý II, với khoảng 78% số doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng, theo Refinitiv. Tăng trưởng lợi nhuận tính trong quý thứ II của các công ty thuộc S&P 500 đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước và gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư, những người đã chuẩn bị cho một triển vọng ảm đạm hơn đối với cả các doanh nghiệp và nền kinh tế.