Chứng khoán Mỹ trái chiều dù khủng hoảng trần nợ công hạ nhiệt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều dù đón nhận dấu hiệu tích cực từ cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên ngày 25/5. Ảnh: AP
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên ngày 25/5. Ảnh: AP

Hai chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 đi lên khi nhà đầu tư phấn khởi trước kết quả kinh doanh mới nhất từ Nvidia - động lực thúc đẩy đà leo dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Theo CNBC, chốt phiên, Nasdaq Composite tăng 1,71%, chốt ở 12.968,09 điểm. S&P 500 tăng 0,88%, đạt 4.151,28 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones sụt 0,11%, về mức 32.764,65 điểm, xuống dưới ngưỡng bình quân 200 ngày.

Cổ phiếu Nvidia tăng vọt 24,4% sau khi hãng chip công bố doanh thu và lợi nhuận quý I vượt dự báo của giới phân tích, đồng thời kỳ vọng doanh thu quý II khả quan hơn. Với phiên tăng mạnh trong ngày thứ Năm, giá trị vốn hoá thị trường của Nvidia đã tiến đến rất gần mốc 1 nghìn tỷ USD.

Loạt cổ phiếu con chip và trí tuệ nhân tạo khác cũng tăng theo Nvidia. Cụ thể, AMD và TSMC lần lượt cộng 11,1% và 12%. VanEck Semiconductor ETF tăng 8,6%, đóng cửa ở mức cao nhất trong năm. Cổ phiếu Alphabet (Google) và Microsoft lần lượt tăng thêm 2,1% và 3,9%.

Phát biểu với CNBC, Giám đốc đầu tư Dylan Kremer của công ty Certuity nhận xét: “Xét từ góc độ vĩ mô thì sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ có thể lấn át những cơn gió ngược từ nền kinh tế giảm tốc hoặc lãi suất cao hơn. Cổ phiếu công nghệ nói riêng và cổ phiếu tăng trưởng nói chung sẽ vẫn có cơ hội tăng điểm”.

Tuy nhiên, sự tăng điểm không diễn ra trên diện rộng. Theo Giám đốc đầu tư Keith Lerner của Truist, chỉ một số cổ phiếu và nhóm ngành đang dẫn dắt thị trường giao dịch khởi sắc trong phiên hôm nay.

Thị trường Phố Wall vẫn đang hướng sự quan tâm đến diễn biến mới nhất, từ các cuộc đàm phán về trần nợ công của Mỹ khi hạn chót đang đến gần.

Theo một bài báo từ Reuters, các cuộc đàm phán giữa Quốc hội và Tổng thống Joe Biden đã có tiến triển vào ngày 25/5, và cả hai bên chỉ cần đồng ý về khoản chi tiêu 70 tỷ USD.

Yếu tố khó đoán xung quanh các cuộc đàm phán đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán trong tuần này. Chỉ số Dow Jones và S&P đang giảm 2% và 1% so với tuần trước, trong khi Nasdaq chỉ tăng 0,3%.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings hôm 24/5 cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức hoàn hảo AAA, cho rằng cuộc đàm phán trần nợ đặt ra khả năng cao Chính phủ Mỹ có thể mất khả năng thanh toán các hoá đơn. Dù vậy, Fitch cho biết vẫn kỳ vọng các bên sẽ đạt một thỏa thuận kịp thời.

Trong một diễn biến khác, các nhà giao dịch Phố Wall đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 6/2023 giữa lúc áp lực lạm phát vẫn còn cao.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 6 lên tới 52,8%, cao hơn nhiều so với mức 36,4% của ngày trước đó.

Xác suất nâng lãi suất tăng vọt sau khi biên bản họp tháng 5/2023 cho thấy các quan chức Fed bất đồng về hướng đi của lãi suất trong thời gian tới.

Theo biên bản cuộc họp tháng 5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) nhất trí gạch bỏ một cụm từ "việc thắt chặt chính sách thêm có thể hợp lý” trong tuyên bố chính sách. Trong thời gian tới, Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu nhiều hơn trong quá trình ra quyết định về chính sách tiền tệ.

Fed cho rằng lạm phát dù hạ nhiệt, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, thị trường lao động vẫn còn quá thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1969. Điều này vẫn diễn ra dù Fed đã nâng lãi suất 10 lần liên tiếp.

Chiến lược gia Quincy Krosby tại LPL Financial cho biết: “Phần lớn các quan chức Fed đều thừa nhận lạm phát vẫn còn quá cao và ngân hàng Trung ương Mỹ cần thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong cuộc họp chính sách sắp tới”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần