Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ vẫn bị bán tháo dù Fed phát tín hiệu tích cực

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong ngày 22/3 sau khi Fed nâng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, đồng thời phát tín hiệu chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.

Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 500 điểm khi dóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 500 điểm khi dóng cửa phiên giao dịch ngày 22/3. Ảnh: CNBC

Giới đầu tư Phố Wall bán tháo cổ phiếu trong phiên ngày thứ Tư khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và thừa nhận rằng biến động trong hệ thống ngân hàng có thể làm giảm tốc nền kinh tế vốn đang mong manh.

Theo CNBC, đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 530,49 điểm (tương đương 1,63%) xuống 32.030,11 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,65% còn 3.936,97 điểm, còn Nasdaq Composite mất 1,6% xuống còn 11.669,96 điểm.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực dẫn đầu phiên bán tháo này ở Phố Wall. Tâm trạng bi quan cũng gia tăng thêm khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện rằng cơ quan chức năng hiện tại không làm việc về vấn đề “bảo hiểm bao trùm” cho tiền gửi tại các ngân hàng.  

Có thời điểm trong phiên chỉ số Dow Jones tăng hơn 200 điểm, nhưng chỉ số đảo chiều giảm mạnh ở cuối phiên. Tại mức đỉnh của phiên, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,9% và 1,3%. Điều này phản ánh mức độ biến động lớn của thị trường do tâm lý giằng co của nhà đầu tư.

Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 22/3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của  Fed, đã nâng lãi suất thêm 0,25% đúng như đa số thị trường dự báo trước đó, khoảng mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang đi từ 4,5 – 4,75% lên 4,75 – 5%.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cho biết “sẽ theo sát những thông tin tiếp theo và đánh giá hàm ý đối với chính sách tiền tệ”. Tuy nhiên, thông cáo của FOMC đã bỏ cụm từ “các đợt nâng lãi suất tiếp theo”, thay vào đó là “chính sách tiền tệ cần tiếp tục thắt chặt”. Tuyên bố trên cho thấy lãi suất có thể sẽ chỉ tăng thêm một lần nữa rồi sau đó được giữ ở mức cao để chống lạm phát.

FOMC cũng đánh giá việc các ngân hàng sụp đổ liên tiếp gần đây có thể sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận: “Các điều kiện tài chính có vẻ đã thắt chặt. Chúng tôi sẽ theo dõi xem tình hình sẽ nghiêm trọng đến đâu và nhiều khả năng vấn đề sẽ kéo dài. Nếu đúng như vậy thì tác động kinh tế vĩ mô sẽ khá đáng kể. Chúng tôi sẽ tính đến tác động này trong các quyết định chính sách của mình”.

Đối với giới đầu tư, mặt tích cực của tuyên bố lần này là trong dự báo mới nhất được đưa ra, Fed dự định chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ông Powell nói rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới đến lúc kết thúc.

Phát biểu trên kênh CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Thomas Simons của Jefferies cho biết: “Các hành động ngày hôm nay của Fed nhất quán với quan điểm mà chúng tôi có lâu nay là Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 5,25% và dừng ở đó trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trừ trường hợp có nguy cơ gia tăng về rủi ro lan rộng trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi dự báo Fed sẽ phải đưa ra một quyết định chính sách tiền tệ tương tự như lần này trong cuộc họp vào tháng 5 tới”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng Michael Gapen của Bank of America Securities nhận định với Reuters rằng nếu căng thẳng trong hệ thống tại chính sớm hạ nhiệt, chúng tôi không loại trừ khả năng các số liệu kinh tế mạnh lên sẽ dẫn tới việc Fed tiếp tục tăng lãi suất qua tháng 5.

Chuyên gia Michael Gapen nói thêm: “Nhưng ở thời điểm này, chúng tôi cho là khả năng đang nghiêng về Fed sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn”.

Đợt nâng lãi suất này của Fed diễn ra giữa lúc hệ thống ngân hàng toàn cầu rơi vào tình trạng bấp bênh nghiêm trọng nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Tháng này chứng kiến 3 ngân hàng Mỹ lần lượt sụp đổ chỉ trong vòng 1 tuần, tiếp đó là vụ sáp nhập của ngân hàng lớn thứ hai  Thụy Sĩ Credit Suisse vào ngân hàng lớn nhất nước này UBS trong một thương vụ được thúc đẩy bởi cơ quan chức năng nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ.