Chứng khoán Mỹ vẫn có tuần tăng mạnh dù đàm phán trần nợ bế tắc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc, trong đó S&P 500 có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023.

Chứng khoán Mỹ chốt tuần tăng điểm dù giảm nhẹ ở phiên ngày 19/5. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ chốt tuần tăng điểm dù giảm nhẹ ở phiên ngày 19/5. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ chốt tuần tăng điểm mặc dù giảm nhẹ trong phiên ngày 19/5, khi các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa tạm ngừng cuộc thảo luận, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng sớm đạt được thỏa thuận. 

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 109,29 điểm (tương đương 0,33%) xuống 33.426,63 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,14% về mức 4.191,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,24% còn 12.657,90 điểm.

Tuy nhiên, tính chung trong tuần, cả ba chỉ số vẫn ghi nhận sắc xanh. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,65% và 3,04%, đạt kết quả hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, Dow Jones đã tăng nhẹ 0,38%.

Phần lớn mức tăng của chứng khoán Mỹ trong tuần này đến từ phiên ngày thứ Năm, khi các nhà giao dịch kỳ vọng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ sớm đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ để tránh một vụ vỡ nợ lịch sử của Washington. Những phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được xem như tín hiệu rằng các bên sẽ đạt thoả thuận vào tuần tới.

Tuy nhiên, tâm trạng của nhà đầu tư lại trở nên bi quan trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi những nhà đàm phán của đảng Cộng hòa rời khỏi cuộc họp về trần nợ trong sự thất vọng. Trả lời báo chí, Hạ Nghị sĩ Garret Graves nói rằng phía Nhà Trắng đưa ra những luận điểm “phi lý”. “Chúng tôi sẽ không ngồi lại đây và tự nói với chính mình”, ông phàn nàn.

Dù vậy, sau khi thị trường Phố Wall đóng cửa phiên giao dịch chính thức, đảng Cộng hòa đã chấp nhận nối lại cuộc đàm phán về trần nợ công - một diễn biến giúp giải tỏa lo lắng cho nhà đầu tư.

Chiến lược gia Art Hogan của công ty B. Riley Financial nhận định với hãng tin CNBC: “Thị trường đã có một tuần khá tích cực, phần lớn do tâm lý mang tính xây dựng và tích cực hơn xung quanh các cuộc đàm phán trần nợ. Phiên ngày hôm nay gặp trở ngại một chút khi cuộc đàm phán bị tạm dừng”.

Theo chuyên gia Art Hogan, áp lực đối với thị trường Phố Wall vẫn còn và sự bấp bênh về trần nợ có thể sẽ khiến nhà đầu tư bán ra trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, mức giảm của các chỉ số chính trong phiên này cũng được hạn chế nhờ tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell rằng lãi suất có thể sẽ không phải tăng nhiều như dự kiến để dập tắt lạm phát.

Phát biểu tại một hội hảo về chính sách tiền tệ ngày 19/5, ông Powell cho biết: “Các công cụ ổn định tài chính đã giúp làm dịu các điều kiện trong lĩnh vực ngân hàng. Mặt khác, diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng đang góp phần thắt chặt các điều kiện tín dụng và có khả năng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”.

Vì vậy, chính sách lãi suất của Fed có thể không cần phải tăng cao như dự kiến để đạt được các mục tiêu của cơ quan này. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cũng lưu ý khả năng đó là không chắc chắn.

Cùng ngày, Thống đốc Fed tại New York John Williams nhận định xu hướng lãi suất trong dài hạn có thể sẽ ở mức thấp hơn, bất chấp những đợt tăng lãi suất gần đây của Fed để kiềm chế lạm phát.

Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 5 điểm phần trăm, bao gồm cả đợt nâng 25 điểm cơ bản hồi đầu tháng này. Hiện phạm vi lãi suất chuẩn đang ở mức 5%-5.25%, cao nhất trong 16 năm.

Theo kế hoạch, Fed tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo trong 2 ngày 13 và 14/6 tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần