Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones mất 195,74 điểm (tương đương 0,56%) còn 34.641,97 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,42% xuống 4.496,83 điểm, còn Nasdaq Composite hạ 0,08% về mức 14.020,95 điểm.
Tuần trước, cả ba chỉ số chính đồng loạt tăng mạnh khi giới đầu tư hy vọng Fed sẽ giảm bớt quan điểm cứng rắn, nhưng hy vọng mong manh này đã đi xuống trong ngày thứ Ba - phiên giao dịch đầu tiên của Phố Wall trong tuần này sau kỳ nghỉ Labor Day (Ngày lễ Lao động của Mỹ).
Giá dầu tăng kỷ lục sau khi Nga và Ả Rập Saudi cùng gia hạn kế hoạch cắt giảm tự nguyện sản lượng dầu. Giá dầu WTI trong phiên ngày 5/9 tăng vọt hơn 1%, có lúc vợt trên 87 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Tin tức trên đã giúp giá cổ phiếu năng lượng trong S&P 500 tăng 0,5%. Cổ phiếu của Halliburton và Occidental Petroleum leo dốc hơn 2%, trong khi EOG Resources tăng 1,8%.
Đà tăng giá dầu đã gây áp lực lên các cổ phiếu hàng không và du lịch, với cổ phiếu American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines và Carnival đều giảm hơn 2%.
“Dầu thô tăng giá sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Điều này khiến nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn. Ngân hàng Trung ương Mỹ đang phải cố gắng giữ cân bằng để đưa nền kinh tế hạ cánh mềm” - Giám đốc đầu tư Keith Lerner của công ty Truist Advisdory Services nói với CNBC.
Một lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bao gồm nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Chỉ số S&P Small Cap 600 sụt gần 3%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2023. Chỉ số S&P Midcap 400 giảm 2,3% và chỉ số Russell 2000 hạ 2,1%.
Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,27% cũng gây áp lực đối với những tài sản rủi ro như chứng khoán.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khi nhà đầu tư tiếp tục nhận thấy khả năng trụ vững của nền kinh tế Mỹ sau 11 đợt tăng lãi suất của Fed.
Thêm vào đó, Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng Fed không cần phải thay đổi lãi suất sớm - một tín hiệu cho thấy lãi suất có thể giữ ở mức cao trong thời gian dài.
Chiến lược gia trưởng Paul Nolte của Công ty Quản lý Tài sản Murphy & Sylvest nhận định với hãng tin Reuters: “Một phần lý do khiến cổ phiếu lao dốc trong phiên này là lợi suất tiếp tục tăng lên, đưa trái phiếu trở thành một lựa chọn thay thế tốt cho cổ phiếu”.
Ngoài ra, xu hướng tăng gần đây của giá dầu cũng có thể cản trở nỗ lực của Fed trong việc đưa lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%, theo chuyên gia Nolte. “Giới đầu tư hy vọng Fed sớm bắt đầu việc cắt giảm lãi suất, song điều đó có thể không xảy ra” - ông Nolte nói.
Cũng có quan điểm tương tự, chuyên gia quản lý đầu tư Andrew Slimmon của ngân hàng Morgan Stanley nói rằng việc kiềm chế lạm phát có thể trở nên khó khăn hơn trong năm 2024.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, triển vọng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 chỉ ở mức 54% - chứng tỏ thị trường vẫn lo ngại về khả năng Fed nâng lãi suất thêm một lần nữa.
Theo chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research, Fed còn phải theo dõi các số liệu kinh tế Mỹ sắp tới, như số liệu lạm phát tháng 8, trước khi đưa ra quyết định lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19-20/9. “Do đó, thị trường không rõ nên lựa chọn hướng nào cho hợp lý” - chuyên gia Stovall lưu ý thêm.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay xuống còn 15% từ mức 20% trước đó, và dự báo Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Đây có thể xem là một tin tốt cho thị trường, nhưng tháng 9 thường là tháng ảm đạm nhất hàng năm của Phố Wall.