Cổ phiếu tại thị trường châu Á giao dịch khởi sắc trong ngày 10/3 trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ giúp hạ nhiệt tình hình căng thẳng tại Kiev.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 1,8%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Nhật Bản vọt 3,9%, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba có cuộc hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 10/3. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2. Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đề xuất và diễn ra với sự tham dự của ba bên gồm Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, hôm 7/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ trở thành “bước ngoặt và là một bước quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định”.
Sắc xanh cũng tràn ngập tại các thị trường chứng khoán trong khu vực, với chỉ số Hang Seng tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cộng 1,27% lên 20.890,26 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm. Thị trường cổ phiếu cũng diễn biến tích cực, trong đó chỉ số Shanghai composite tăng 1,22% lên mức 3.296,09 điểm, còn chỉ số thành phần Thâm Quyến nhích 2,179% lên 12.370,95 điểm .
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng leo dốc 2,21% lên 2.680,32 điểm.Chỉ số S&P/ASX 200 cộng 1,1%, đóng cửa ở mức 7.130,80 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số MSCI toàn cầu, theo dõi cổ phiếu ở 50 quốc gia, cũng tăng 0,2%.
Đà phục hồi của thị trường cổ phiếu châu Á diễn ra sau khi chứng khoán châu Âu chứng kiến phiên giao dịch tốt nhất trong gần 2 năm trong ngày thứ Tư.
Michael Hewson, trưởng nhóm chuyên gia thị trường tại CMC Markets, cho biết: “Thị trường cổ phiếu châu Á nhận được lực đẩy quan trọng trong phiên giao dịch khi nhà đầu tư kỳ vọng sớm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine”.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của õi đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm về còn 98,124 điểm.
Giá dầu nhích nhẹ sau khi lao dốc hơn 12% trong phiên trước đó khi các nhà đầu tư đang đánh giá xem liệu các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác có thể bù đắp được sự thiếu hụt nguồn cung do hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn. Giá dầu Brent giao sau cộng hơn 3%, lên 114,64 USD/ thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,73% lên mức 110,58 USD.
Ngày 10/3, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau tại Versailles, Pháp để họp thượng đỉnh, dự kiến kéo dài trong 2 ngày, để thảo luận về tình hình Ukraine và bàn về giải pháp giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Cuộc họp diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden áp lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác từ Nga khiến giá “vàng đen” tiếp tục tăng kỷ lục.