Chứng khoán thế giới giảm mạnh vì căng thẳng ở Trung Đông leo thang

Nguyễn Thu (Theo Reuters, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh trong phiên 21/6 khi nhà đầu tư lo ngại về một cuộc tấn công quân sự của Mỹ đe dọa Iran.

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đều nhuốm sắc đỏ trong ngày 21/6 khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục đeo bám tâm lý nhà đầu tư.
Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang khiến các cổ phiếu mất động lực tăng điểm trong phiên này mặc dù lo ngại cuộc xung đột thương mại toàn cầu đã hạ nhiệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu hạ lãi suất từ đầu tuần.
 Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong ngày 21/6.
Căng thẳng tại Trung Đông gia tăng sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trong khi chính quyền Washington tuyên bố máy bay của mình bay trong không phận quốc tế. Phía Iran nói rằng nước này đã bắn máy bay không người lái của Mỹ trên lãnh thổ của Tehran.
Các quan chức Iran nói với hãng tin Reuters hôm 21/6 rằng Tehran đã nhận được một tin nhắn từ Tổng thống Donald Trump thông báo rằng Mỹ sắp tiến hành tấn công quân sự Iran.
Tờ New York Times của Mỹ ngày 21/6 đưa tin, Tổng thống Donald Trump hôm 20/6 đã thông qua kế hoạch không kích hàng loạt mục tiêu của Iran như trận địa tên lửa và radar phòng không nhằm đáp trả việc Iran đã bắn hạ máy bay không người lái (UAV) RQ-4N của Mỹ. Tuy nhiên ông Trump đã thay đổi quyết định này vào phút chót.
Nỗi lo ngại xảy ra xung đột quân sự tại Trung Đông khiến chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu đã giảm trong phiên này sau khi chạm mức cao nhất trong 7 tuần ở phiên trước đó, chủ yếu do sự lao dốc của chứng khoán châu Á.
Chuyên gia thị trường Stephen Innes tại Vanguard nhận xét: “Mặc dù các yếu tố rủi ro trên thị trường còn mờ nhạt, song dường như nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng sau khi phấn khích trước thông tin tích cực từ FED”.
Khép lại phiên giao dịch ngày 21/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,95% xuống 21.258.64 điểm, còn Topix hạ 0,9% xuống 1.545.9 điểm.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản sụt 0,15%. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng gần 4% trong tuần, trong đó  có phiên đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/5.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,27% xuống 2.125.62 điểm khi cổ phiếu của công ty sản xuất chip SK Hynix sụt 2,08%.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0,55% xuống 6.650.8 điểm, trong đó cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học CSL lao dốc 3,17% sau khi Công ty giảm dự báo doanh thu ở Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đi ngược với đà giảm của châu Á trong phiên 21/6, trong đó Shanghai Composite tăng 0,5% lên 3.001.98 điểm, Shenzhen Component cộng 0,87% và Shenzhen Composite tiến 1,339%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0.27% xuống 28,473.71 điểm khi cổ phiếu HSBC hạ 1%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 lùi nhẹ trong ngày 21/6 sau khi chạm mức kỷ lục mới.
Các chỉ số chính tăng lên mức cao nhất trong phiên sau khi Dow Jones đưa tin Phó Tổng thống Mike Pence sẽ trì hoãn bài phát biểu về chính sách Trung Quốc giữa lúc xuất hiện tín hiệu tích cực về thương mại.
Tuy nhiên, thị trường Phố Wall đánh mất phần lớn đà tăng sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm thêm 5 công ty Trung Quốc mua linh kiện từ Mỹ mà không có sự chấp thuận của Chính phủ.
Nhóm cổ phiếu sản xuất chip suy giảm sau quyết định của Bộ Thương mại Mỹ. Cổ phiếu Micron Technology hạ 2,6%, còn Advanced Micro Devices sụt 3%. Cổ phiếu Xilinx cũng giảm hơn 2%.
Khép lại phiên giao dịch ngày 21/6, chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 2.950,46 điểm sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại tại 2.964,15 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 34,04 điểm xuống 26.719,13 điểm, còn Nasdaq Composite mất 0.2% còn 8.031,71 điểm.
Bất chấp biến động mạnh trong phiên giao dịch, chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận tuần tăng mạnh khi nhà đầu tư phấn khởi với triển vọng FED có thể hạ lãi suất ngay trong tháng 7/2019. Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 2% trong tuần này, còn Nasdaq Composite nhảy vọt 3%. Với đà tăng mạnh của tuần này, chỉ số S&P 500 đang tăng 17.7% từ đầu năm 2019 và chuẩn bị ghi nhận 6 tháng đầu năm tốt nhất kể từ năm 1997.
 Chỉ số S&P 500 giảm điểm trong ngày 21/6.
Lãnh đạo FED hôm 19/6 cho biết đã sẵn sàng đối phó với rủi ro ngày càng tăng trên toàn cầu và cả rủi ro hiện hữu ở nền kinh tế Mỹ, khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang và nỗi lo về lạm phát ngày một lớn hơn.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của FED đã hạ dự báo lãi suất trong năm 2019 khoảng 0,5 điểm phần trăm, còn Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, một số thành viên nhất trí rằng khả năng hạ lãi suất đang ngày càng tăng.
Ngoài ra, FED còn bỏ cụm “kiên nhẫn” ra khỏi tuyên bố và thừa nhận lạm phát đang “dao động” dưới mục tiêu 2% của họ.
Các nhà đầu tư xem nhận định chung từ ngân hàng trung ương là “bồ câu” hơn dự báo. Hiện các nhà giao dịch nhận định rằng chắc chắn FED sẽ hạ lãi suất vào tháng tới, theo CME Group./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần