Nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu đặt kỳ vọng vào kết quả tích cực từ vòng đàm phán mới nhất giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong ngày thứ Hai.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 tương lai tăng 0,3%, và Nasdaq tương lai cộng 0,2%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán châu Âu EUROSTOXX 50 nhích 0,9%, còn chỉ số FTSE cũng leo dốc 0,4%.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei N225 của Nhật Bản cũng tăng 0,8%, còn chỉ số Topix cộng 0,95%. Chỉ số S&P/ASX 200 tại thị trường Australia cũng giao dịch khởi sắc khi tăng 1,09%.
Mặc dù tên lửa của Nga đã bắn trúng một căn cứ lớn của Ukraine gần biên giới với Ba Lan hôm 13/3, song hai bên đều xác nhận sẽ tiếp tục tiến hành vòng đàm phán thứ tư trong ngày hôm nay (14/3).
Ông Davyd Arakhamia, thành viên của phái đoàn đàm phán Ukraine cho biết, vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 30 sáng 14/3 (giờ địa phương).
Trong khi đó, theo hãng tin Tass, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo các cuộc đàm phán Nga-Ukraine sẽ được thực hiện trong ngày 14/3.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, phái đoàn hai bên đã 3 lần đàm phán. Tuy vậy, các vòng đàm phán chưa đạt được nhiều tiến bộ đột phá và chủ yếu tập trung đến việc thiết lập hành lang nhân đạo.
Theo CNBC, thị trường cổ phiếu Trung Quốc giảm điểm trong ngày 14/3 do lo ngại về diễn biến dịch Covid-19 tại nước này, đặc biệt là thành phố Thâm Quyến. Chỉ số Shanghai Composite mất 1,3%, còn Shenzhen Component giảm 1,61%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng lao dốc 3,81%.
Các chuyên gia Raymond Yeung và Zhaopeng Xing của ANZ Research đánh giá: “Trung Quốc đang trải qua làn sóng Covid-19 lớn nhất kể từ khi phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3/2020. Nếu biện pháp phong tỏa kéo dài, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện còn quá sớm để thay đổi dự báo GDP Trung Quốc (5%) cho năm 2022, song chúng tôi cho rằng việc phong tỏa một phần tại các tỉnh giàu có sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Một số thị trường chứng khoán châu Á giao dịch kém khởi sắc trong phiên ngày 14/3, với Kospi của Hàn Quốc giảm 0,85%, còn chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (không tính thị trường Nhật Bản) mất 1,1%.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng các câu hỏi liên quan đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang đè nặng lên thị trường. FED được dự báo có lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018 trong cuộc họp chính sách giữa tuần này.
Trước cuộc họp từ ngày 15-16/3 của FED, nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào triển vọng cơ quan này sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Chủ tịch FED Jerome Powell hồi đầu tháng 3 cho biết ngân hàng trung ương này sẽ bắt đầu tăng lãi suất một cách “cẩn trọng” tại cuộc họp chính sách vào tháng 3, song cũng sẵn sàng điều chỉnh lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát không “hạ nhiệt” nhanh như mong đợi.
Kevin Cummins, nhà kinh tế trưởng tại NatWest Markets nhận xét: "Giới đầu tư đang dự đoán FED sẽ có bốn hoặc năm lần tăng lãi suất trong năm nay do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng kỷ lục trong tháng 2".
Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào cuối tuần.