Chứng khoán Trung Quốc, Nhật Bản giảm mạnh do ECB cảnh báo tăng trưởng giảm tốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á giảm mạnh trong ngày 8/3 sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và phát tín hiệu không tăng lãi suất.

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 8/3 sau khi ECB cảnh báo kinh tế khu vực châu Âu tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Ngày 7/3, ECB cho biết ​​lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp kỷ lục ít nhất là đến cuối năm 2019. Cơ quan này cũng công bố một loạt các khoản vay giá rẻ mới cho các ngân hàng.
Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên ngày 8/3.
Nhận xét về động thái mới nhất của ECB nhằm kích thích nền kinh tế châu Âu, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng ngân hàng này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2019 xuống còn 1,1%. Trước đó, khu vực này được dự báo sẽ ​​tăng trưởng 1,7% trong năm 2019.
"Sự suy yếu trong dữ liệu kinh tế chỉ ra sự giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ kéo dài đến năm nay", Chủ tịch Draghi nói với các phóng viên.
Ông Draghi cho biết, các yếu tố địa chính trị như sự không chắc chắn về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, thương mại thế giới chậm hơn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự yếu kém ở một số thị trường mới nổi đang đè nặng lên nền kinh tế châu Âu. Italia rơi vào suy thoái từ cuối năm 2018 và Đức cũng mấp mé bờ suy thoái.
ECB trước đó đã nói, họ dự kiến ​​lãi suất sẽ duy trì ở mức hiện tại "ít nhất là trong suốt mùa hè năm 2019", mở ra khả năng về việc tăng lãi suất trước khi nhiệm kỳ của ông Draghi kết thúc.
”Việc ECB bất ngờ thay đổi kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ khiến các nhà đầu tư gia tăng lo ngại và thận trọng đối với các tài sản rủi ro”, ông Keithin Friend - nhà chiến lược thị trường cao cấp tại NAB nhận xét.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai composite giảm 2,0% sau khi leo dốc mạnh trong phiên trước đó.
Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật Bản sụt 1,6% và chỉ số chứng khoán của Australia hạ 0,8%. Chỉ số cổ phiếu MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản lao dốc 1,1%, mức sụt giảm mạnh nhất trong 2 tuần.
Phố Wall giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày 7/3, đánh dấu phiên giảm thứ 4 liên tiếp, sau khi ECB hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực và tung một chương trình cho vay mới, làm gia tăng những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn đầu sự đi xuống của thị trường trong phiên này. Các cổ phiếu Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Citigroup đồng loạt giảm hơn 1%.
Kết thúc cuộc họp chính sách định kỳ, không chỉ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, ECB còn đẩy lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất sang năm 2020, thay vì nửa cuối 2019 như dự kiến ban đầu.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong ngày 7/3.
Ngoài ra, ECB tung một chương trình cho vay dài hạn lãi suất thấp mới để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong khu vực. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2014 ECB triển khai một chương trình cho vay thuộc dạng này.
"Về cơ bản, ECB đang thừa nhận rằng nền kinh tế khá yếu", chuyên gia kinh tế trưởng Peter Cardillo thuộc Spartan Capital Securities nhận định với hãng tin CNBC. "Điều này càng làm gia tăng sự bấp bênh", chuyên gia Cardillo cho hay.
Tuyên bố của ECB được đưa ra trong bối cảnh có nhiều mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Trung ương Canada hôm 6/3 nói rằng đang có "sự không chắc chắn gia tăng" về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới. Trong khi đó, nền kinh tế Australia chỉ tăng 0,2% trong quý IV/2018. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại phát tín hiệu sẽ kiên nhẫn trong việc nâng lãi suất.
Trước phiên này, chứng khoán Mỹ đã giảm trong 3 phiên liên tiếp, khi giới đầu tư chờ diễn biến mới của đàm phán thương mại Mỹ - Trung và thận trọng hơn bởi đợt tăng điểm từ đầu năm của thị trường.
Mặc dù giảm 4 phiên liên tục, Phố Wall vẫn tăng điểm nhiều so với thời điểm đầu năm. Trong đó, S&P 500 và Dow Jones cùng tăng trên 9%, trong khi Nasdaq tăng khoảng 11,9%.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0,8%, còn 25.473,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 2.748,93 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,1%, còn 7.421,46 điểm.
Theo ông Tim Courtney - Giám đốc đầu tư thuộc Exencial Wealth Advisors, tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tín hiệu kiên nhẫn từ FED là hai nguồn động lực chính đẩy thị trường cổ phiếu leo dốc từ đầu năm. Tuy nhiên, "thị trường hiện đang chờ những dữ liệu mới về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đó là mối lo đang hiện hữu vào thời điểm này, và sẽ quyết định khả năng tăng tiếp của thị trường".
Trong phiên giao dịch ngày 8/3, dữ liệu được chờ đợi nhiều nhất sẽ là thống kê thị trường việc làm tháng 2 của Mỹ.