100% thủ tục hành chính được ủy quyền có quy trình nội bộ
Năm 2023, công tác cải cách hành chính của TP đã có chuyển biến tích cực, rõ nét. Kết quả cải cách hành chính được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao, Chỉ số Par-Index năm 2022 của TP xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các giải pháp để cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS, cải thiện, duy trì Chỉ số Par-Index, những tồn tại, hạn chế về công tác cải cách hành chính được chỉ ra đã được TP chỉ đạo tập trung, khắc phục kịp thời, đồng thời đưa các nội dung, giải pháp trong nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024.
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, đến nay, TP đã ban hành 21 Quyết định, công bộ 115 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Các sở, ban, ngành đã phê duyệt 450 quy trình; cấp huyện ban hành 1.789 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình giải quyết các công việc nội bộ và 128 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã và cấp huyện.
Mô hình Bộ phận một cửa hiện đại, xây dựng Market Bộ nhận diện đồng bộ, thống nhất trên toàn TP, tạo điều kiện giúp cho người dân, tổ chức dễ dàng nhận biết nơi tiếp nhận TTHC và giúp cho cơ quan nhà nước đầu tư, cải tạo, quản lý bộ phận một cửa đảm bảo theo chuẩn quy định một cửa hiện đại.
Rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế và tăng cường phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các TTHC của các cơ quan, đơn vị thuộc TP sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan, nhà nước đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy nhà nước.
Kết quả rà soát và ban hành ngay các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với các TTHC ủy quyền cho cấp huyện, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều thủ tục như công thương, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư… đảm bảo 100% các TTHC được ủy quyền có quy trình nội bộ kèm theo. TP đã ban hành các quyết định ủy quyền kèm theo quy trình nội bộ của 578 TTHC, đạt tỷ lệ 94%.
UBND TP Hà Nội đã ban hành 8 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 TTHC thuộc các lĩnh vực. 100% TTHC được đơn giản hóa được công bố, công khai được cơ quan, đơn vị của TP thực hiện đúng quy định. Việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục đạt tỷ lệ trên 20%, trong đó, ngoài việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, cắt giảm thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.
Thực hiện cải cách trong việc quy định không thu phí, lệ phí đối với cá nhân, tổ chức khi nộp hồ sơ TTHC trực tuyến trên môi trường mạng đến hết ngày 31/12/2025 là một trong những giải pháp để khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TP. Đồng thời, đổi mới xây dựng định mức, đơn giá, chuyển từ cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát bình quân sang cơ chế đặt hàng, góp phần nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc triển khai đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung TP đã hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP, Chủ tịch UBND TP đến các cấp chính quyền TP được đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả bảo đảm nhanh chóng. Cùng với đó, kịp thời dựa trên dữ liệu số qua đó thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số của TP phát triển nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ.
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo sự chuyển biến khá rõ nét tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức TP đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, một số sở, ngành chưa chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của TP như: việc triển khai xây dựng các quy trình/quy chế liên thông trong giải quyết TTHC đã được TP giao; việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng (SIPAS) thuộc lĩnh vực sở, ngành quản lý chậm xây dựng, trình TP các Đề án, giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư trang thiết bị, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại Bộ phận “một cửa”, các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số SIPAS, PAPI tại cơ sở.
Nâng cao sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công trực tuyến
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP sẽ tập trung đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; trách nhiệm của UBND cấp xã về thực hiện quy chế dân chủ tại xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, TP chú trọng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền TTHC trên địa bàn TP; tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội. Theo dõi, đôn đốc, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các TTHC; đánh giá hiệu quả của việc thực hiện quy chế/quy trình liên thông thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng – Đô thị, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa – Xã hội; xây dựng quy chuẩn, quy trình giải quyết công việc hành chính. Đồng thời, theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các nội dung, kênh thông tin liên quan đến kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về TTHC.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, TP sẽ tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn TP; các trang tin điện tử cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính TP.
Hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết thủ tục. Tích hợp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.