Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyến công du hòa bình của đặc phái viên Trung Quốc có nên chuyện?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến công du tới Ukraine và một số quốc gia được coi là nỗ lực củng cố uy tín của Bắc Kinh với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu.

Đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc sẽ bắt đầu chuyến công du Ukraine và bốn quốc gia khác kể từ hôm 16/5, trong nỗ lực củng cố uy tín của Bắc Kinh với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu.

Đại sứ Li Hui. Ảnh: NBC News
Đại sứ Li Hui. Ảnh: NBC News

Đại sứ Li Hui, đại diện đặc biệt của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, sẽ đến thăm thủ đô của Ukraine trong 2 hôm (16-17/5), AFP dẫn lời giới chức Ukraine cho biết hôm 15/5. Hiện chưa rõ Đại sứ Li có gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 

Sự xuất hiện của vị đặc phái viên diễn ra vào thời điểm Nga tăng cường các nỗ lực chiến tranh ở thủ đô Ukraine. Còi báo động không kích được kích hoạt trên khắp Ukraine vào rạng sáng 16/5 và nhiều tiếng nổ xuất hiện khắp ngõ ngách Kiev, đánh dấu cuộc tấn công thứ tám của Nga vào thủ đô trong tháng này.

Ông Li từng giữ vị trí Đại sứ tại Moscow và thông thạo tiếng Nga, dự kiến cũng sẽ thăm Ba Lan, Pháp, Đức và Nga, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa xác nhận lịch trình hoặc thời lượng của chuyến đi. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin "vẫn chưa có trong lịch trình", theo hãng thông tấn nhà nước Tass.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ cử một đặc phái viên tới Ukraine, trong cuộc điện đàm đầu tiên của ông với ông Zelensky kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.  

Theo giới quan sát, hiện chưa rõ Đại sứ Li có thể đạt được bao nhiêu tiến bộ trong chuyến công du lần này. Kiev từng bác bỏ đề xuất của Trung Quốc hồi đầu năm về một lệnh ngừng bắn. Mặt khác việc ung hộ một giải pháp dễ chấp nhận hơn đối với Tổng thống Zelensky cũng  sẽ có nguy cơ đẩy ông Putin "xa rời" khỏi Bắc Kinh. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố một tình hữu nghị “không giới hạn” trước thềm chiến sự tại Ukraine do Nga triển khai.

“Hiện chưa thể đạt được bất kỳ giải pháp nào chỉ với một vòng ngoại giao con thoi. Đây mới chỉ là sự khởi đầu,” Bloomberg dẫn lời chuyên gia Wang Yiwei, giáo sư Đại học Nhân dân chuyên nghiên cứu về châu Âu, cho biết.

“Bản thân chuyến thăm của ông Lý đã là một bước đột phá vì nó bác bỏ những tuyên bố rằng Trung Quốc đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga,” ông nói thêm. “Chuyến thăm này sẽ giúp đưa quan hệ Trung Quốc-châu Âu trở lại đúng hướng.”

Trong diễn biến liên quan, ông Zelensky đang có chuyến công du châu Âu  trong những ngày gần đây. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối tuần trước đã “mở cửa” cho các phi công chiến đấu Ukraine được đào tạo tại Pháp, trong khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak ủng hộ ý tưởng về một liên minh cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đã gặp Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã công bố gói hỗ trợ lớn nhất của đất nước cho lực lượng vũ trang Ukraine.