Chuyến công du vùng Vịnh của Chủ tịch Trung Quốc: Gắn kết đối tác xa

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả chuyến công du vùng Vịnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có được ý nghĩa, tác động quan trọng đủ để mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác mới giữa Trung Quốc và các vương triều Ả Rập tại vùng Vịnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Thời kỳ mới này không chỉ đơn thuần là tương lai của quan hệ giữa hai bên mà còn có tác động rất mạnh mẽ tới chính trị thế giới, an ninh khu vực và quan hệ quốc tế trong thời gian tới.

Nguyên do ở chỗ các vương triều Ả Rập ở vùng Vịnh đều là những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về dầu mỏ và khí đốt, đều là những tác nhân đóng vai trò rất quyết định tới an ninh, ổn định ở khu vực vùng Vịnh, Trung Đông cũng như Bắc Phi. Đồng thời những nước này còn là đối tượng được Mỹ, Trung Quốc cùng một số đối tác bên ngoài khác ganh đua tranh thủ và lôi kéo.

Cho nên không có gì là khó hiểu khi phía Mỹ cảm nhận như thể bị báo động bởi việc Trung Quốc và các vương triều Ả Rập ở vùng Vịnh xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn, gây dựng được những lợi ích chiến lược cơ bản lâu dài chung.

Về địa lý, Trung Quốc và Mỹ đều cách xa vùng Vịnh. Về lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, Trung Quốc không có được bề dày truyền thống như Mỹ trong quan hệ với các quốc gia ở vùng Vịnh. Nhưng rõ ràng hiện tại Trung Quốc có nhiều tiền đề thuận lợi hơn hẳn Mỹ để thúc đẩy quan hệ hợp tác, tranh thủ, lôi kéo các quốc gia ở vùng Vịnh.

Qua chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có thể thấy, giữa các vương triều Ả Rập ở vùng Vịnh với Trung Quốc hiện có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về triển vọng và cách thức thúc đẩy quan hệ hợp tác, về mong muốn và khả năng thực tế gắn kết với nhau, về những nguyên tắc chung dẫn dắt quan hệ giữa hai bên mà đặc biệt là cam kết không can thiệp vào công chuyện nội bộ của nhau. Trung Quốc đã mở thêm nhiều cánh cổng để tiếp cận vùng Vịnh và tạo thế cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.