Điều người dân quan tâm là ga Hà Nội cần được giữ nguyên vẻ ngoài với những nét kiến trúc, văn hoá đặc trưng gắn liền với một thời kỳ lịch sử của Thủ đô.
Vị trí đắc địa
Ga Hà Nội trước năm 1975 gọi là ga Hàng Cỏ, xây dựng vào năm 1902, cùng với cầu Long Biên là hai hạng mục của đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội. Sau đó, ga Hà Nội tiếp tục là điểm đầu của các tuyến đường sắt liên tỉnh đi Hải Phòng, Lào Cai... Năm 1936, ga Hàng Cỏ trở thành điểm đầu của đường sắt xuyên Việt.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là nơi tập kết, xuất phát của những chuyến tàu “Nam tiến” nổi tiếng trong lịch sử đất nước, đưa hàng triệu bộ đội từ Bắc vào giải phóng Miền Nam. Cũng chính vì vị trí và vai trò chiến lược đó, ga Hàng Cỏ trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá.
Năm 1972, bom Mỹ đã đánh sập nhà đại sảnh ga Hàng Cỏ, các chuyến tàu phải chuyển sang khởi hành vào ban đêm. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ga được đổi tên thành ga Hà Nội. Nhà đại sảnh được xây mới lại, các tuyến đường sắt nối Hà Nội với cả nước trở thành mạch máu vận tải vô cùng quan trọng.
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của hàng không, đường bộ, đường thuỷ, vai trò của đường sắt đã giảm đi đáng kể. Đồng thời, vị trí đầu mối vận tải đường sắt liên tỉnh nằm sâu trong trung tâm đô thị của ga Hà Nội cũng đã cho thấy nhiều bất cập. Nhưng ga Hà Nội lại tiếp tục được lựa chọn làm đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô với hai tuyến ĐSĐT đi qua.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đường sắt quốc gia Hà Nội sẽ đi theo các tuyến vành đai phía Đông và phía Tây, kết nối với các ga: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Thạch Lỗi. Ga Hà Nội sẽ không còn đóng vai trò ga đầu mối của các tuyến đường sắt liên tỉnh như hiện nay nữa, thay vào đó sẽ được bàn giao lại cho TP sử dụng làm ga trung tâm của ĐSĐT. Các đoạn đường sắt: Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo cũng sẽ chuyển thành ĐSĐT.
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, theo quy hoạch mạng lưới ĐSĐT Hà Nội, sẽ có tuyến số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai đi ngầm và tuyến số 1: Yên Viên - ga Hà Nội - Ngọc Hồi đi trên cao tại vị trí này. “Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, dù là đầu mối của đường sắt quốc gia liên tỉnh hay ĐSĐT, phục vụ kinh tế - xã hội hay quân sự, ga Hà Nội đều cho thấy vị trí đắc địa của mình, trở thành lựa chọn hàng đầu đối với Thủ đô” - ông Lê Trung Hiếu nói.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, quá trình bàn giao hai nhà ga: Hà Nội, Giáp Bát cho TP triển khai làm ĐSĐT sẽ cần rất nhiều thời gian. Toàn bộ hạ tầng phục vụ đường sắt trước đây phải được di chuyển đến ga đầu mối mới tại Ngọc Hồi (huyện Thường Tín). Quá trình này có thể mất hàng chục năm. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, rất nhiều người dân đã bày tỏ quan tâm sâu sắc đến sự biến chuyển của ga Hà Nội - chứng nhân lịch sử Thủ đô.
Giữ nguyên dáng vẻ
Đa số người dân Thủ đô khi được hỏi, đều có mong muốn ga Hà Nội sẽ giữ nguyên dáng vẻ như hiện tại. Ông Nguyễn Văn Minh (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Ga Hà Nội đã đi vào tâm trí người dân như một chứng tích, chứng nhân của lịch sử. Việc chuyển đổi công năng nó thành ga ĐSĐT trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Nhưng phải làm thế nào cho dáng vẻ nhà ga được nguyên vẹn để giữ lấy hồn cốt của Hà Nội”.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, ngay từ đầu thế kỷ XX, khi được người Pháp lựa chọn, cho đến nay ga Hà Nội vẫn cho thấy vị trí quan trọng, không thể thay thế của nó trong mạng lưới giao thông TP.
“Quan trọng hơn, nó không chỉ là một công trình giao thông, mà còn giữ vai trò lịch sử, văn hoá đặc biệt, độc nhất của Thủ đô. Vì vậy, trong tương lai khi cải tạo thành ga ĐSĐT, ga Hà Nội vừa phải đảm bảo đầy đủ công năng, vừa phải bảo tồn tối đa nét kiến trúc lịch sử” – ông Phan Trường Thành nói.
Ông Lê Văn Tiến - nguyên lãnh đạo Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay, việc để đường sắt liên tỉnh với nhà ga đầu mối là ga Hà Nội nằm sâu trong trung tâm đô thị gây nhiều bất tiện cho giao thông nội bộ vùng lõi Thủ đô.
“Việc chuyển ga đầu mối đến Ngọc Hồi, đưa đường sắt liên tỉnh ra khỏi trung tâm là cần thiết. Nhưng ga Hà Nội vẫn có vị trí vô cùng quan trọng với giao thông đô thị Thủ đô, cần quy hoạch lại các hướng tiếp cận để nó phù hợp với ĐSĐT, tiếp tục phát huy hiệu quả đối với giao thông TP” - ông Lê Văn Tiến nói.
Ông Lê Trung Hiếu cho hay, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đang triển khai công tác tiếp nhận ga Hà Nội và Giáp Bát để đưa vào mạng lưới ĐSĐT của TP. Cụ thể các nhà ga Hà Nội, Giáp Bát nằm trong tiến trình bàn giao dự án tuyến ĐSĐT số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, hiện đang tiến hành các bước thủ tục. Vị lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng khẳng định: “Việc chuyển đổi hẳn ga Hà Nội thành ga ĐSĐT là chuyện của nhiều năm nữa. Nhưng chắc chắn khi thực hiện, mục tiêu bảo tồn, giữ gìn dáng vẻ nhà ga sẽ được đặt lên hàng đầu”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để biến một ga đường sắt liên tỉnh thành ga ĐSĐT không hề đơn giản. Không chỉ kết cấu bên trong mà cả những kết nối bên ngoài cũng cần được mở rộng tối đa.
Theo quy hoạch mạng lưới ĐSĐT Thủ đô, ga Hà Nội sẽ có cả phần ngầm, phần nổi và trên cao. Việc cải tạo nhà ga cho tương thích với tổ hợp kết cấu đó cần phải được hoạch định sớm, nghiên cứu, đánh giá tỉ mỉ, đảm bảo vừa chuyển đổi công năng thành công vừa giữ lại hồn cốt của một ga Hàng Cỏ đã cùng Thủ đô đi qua hàng trăm năm thăng trầm.
Khi trở thành ga ĐSĐT, ga Hà Nội sẽ được đặt trong một tổng thể kiến trúc đô thị đặc trưng. Sẽ có nhiều đường đi bộ, hướng kết nối cho xe cơ giới, các khu vực kinh doanh thương mại. Cần tính toán sao cho nét kiến trúc cũ của nhà ga hài hòa, không lạc lõng với xung quanh.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng