Chuyển đổi số là chìa khóa để ngành du lịch chuyển đổi xanh

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng du lịch của du khách trên thế giới đang thay đổi với nhiều hành vi khác nhau. Do đó các doanh nghiệp buộc phải thích ứng đưa ra nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận khách hàng.

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2024, ngày 4/4 Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới”.

Hội thảo "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới". Ảnh: Yên Nội
Hội thảo "Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới". Ảnh: Yên Nội

65% du khách Việt sử dụng AI để lên kế hoạch đi du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, việc cập nhật xu thế kinh doanh của thế giới là nhu cầu cấp thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch.

Còn ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting cho biết, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đã mang lại những thay đổi sâu rộng trong ngành du lịch, ảnh hưởng lớn đến cách thức người tiêu dùng và du khách lập kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình. 

Các từ khóa khách du lịch nước ngoài tìm kiếm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các từ khóa khách du lịch nước ngoài tìm kiếm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tại, để đánh giá một điểm đến có phổ biến hay không thì người ta sẽ dùng công cụ để đếm lượng từ khoá tìm kiếm hàng tháng về điểm đến. Từ đó, chúng ta biết sự quan tâm của du khách trên thế giới đối với điểm đến của chúng ta như thế nào.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, thực tế thời gian qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh, nhưng lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ lại không tăng nhiều. Tình trạng này đã được nhận diện thông qua nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành trong suốt thời gian qua. Điều này cho thấy hình thức đi du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, khách du lịch đã có thể tự tìm kiếm và đặt dịch vụ một cách rất thuận tiện thông qua các nền tảng trực tuyến.

Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy phát triển, mạnh dạn chuyển đổi để đưa điểm đến gần hơn với du khách. Sự thay đổi này đòi hỏi tính sáng tạo, chuyên nghiệp và có nền tảng công nghệ. Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm dịch vụ đa dạng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu tiếp cận, trải nghiệm cá nhân. Cùng với đó, chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin, xu hướng thị trường và tăng cường quảng bá, tiếp thị trên các nền tảng, đại lý du lịch trực tuyến.

Du khách ngày càng quan tâm đến dấu chân carbon

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis Adventure Tours cho biết, sự tăng trưởng của du lịch tự túc đi kèm với nhu cầu gia tăng của cá nhân hoá trải nghiệm sẽ dẫn tới sự hình thành của các phân khúc khách hàng "theo sản phẩm". Tiêu dùng du lịch hướng tới giá trị là một thay đổi quan trọng trong hành vi du lịch của du khách toàn cầu; với sự tăng cao của yêu cầu về các sản phẩm thân thiện môi trường, tôn trọng cộng đồng bản địa và giá trị thương hiệu của nhà cung ứng dịch vụ.

“Các mô hình lưu trú hay sản phẩm bền vững được xem là tương lai của ngành du lịch. Du khách sẽ ngày càng quan tâm đến dấu chân carbon, sản phẩm tái chế và quản lý nước thải trên hành trình du lịch của họ. Các sản phẩm mang tính bản địa nguyên bản, hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương được xem là những ưu tiên lựa chọn của du khách. Các doanh nghiệp cung cấp các trải nghiệm hay sản phẩm gắn với giá trị văn hóa địa phương, cộng đồng bản địa sẽ có nhiều lợi thế thu hút sự chú ý của du khách”, ông Nguyễn Châu Á nhấn mạnh.

Quảng bá điểm đến là rất quan trong vì nó sẽ giúp cho du khách trên thế giới biết về điểm đến của chúng ta. Việc tạo nhận thức điểm đến là rất quan trọng, có thể thông qua rất nhiều cách như liveshow ca nhạc, phim ảnh, báo chí, blogger và nhiều giải pháp khác để khiến cho du khách tò mò về Việt Nam. Du khách tìm kiếm các thông tin và hoạt động ở Việt Nam, từ đó các doanh nghiệp du lịch có thể dễ dàng chuẩn bị, đón đầu du khách để chào bán sản phẩm du lịch.