Hà Nội:
Chuyển đổi số tạo sự hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính
Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (PAR Index 2024). Theo đó, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63, với 92,75 điểm.

Người dân được hướng dẫn tận tình khi đến giải quyết TTHC tại Chi nhánh công Tây Hồ (Tòa nhà liên cơ, 258 Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ).
Nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức
Hà Nội là đơn vị tiên phong trong việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP theo chỉ đạo, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Đây là bước đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận "một cửa", việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công TP Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết: "Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao như: nâng cấp hệ thống Dịch vụ công để bảo đảm liên thông điện tử, trực tuyến toàn trình liền mạch mức độ cao; thiết kế Chatbot hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chú trọng nâng cấp trí tuệ nhân tạo; Tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời giản thực hiện các thủ tục hành chính.
Trích dẫn
Hà Nội đạt 92,75 điểm năm 2024 (tăng 1,32 điểm so với năm 2023, tăng 3,17% so với năm 2022); giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2022, 2023 đều xếp thứ 3/63), cao hơn 4,38% so với kết quả trung bình cả nước nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, tập trung vào 150 TTHC thiết yếu, phát sinh nhiều hồ sơ, nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu; đánh giá hiệu quả ủy quyền thủ tục hành chính, giảm thiểu sự rườm rà trong quá trình giải quyết; Triển khai mạng lưới chi nhánh phi địa giới hành chính với 8 phân khu chức năng hỗ trợ người dân và DN, phấn đấu đến tháng 7/2025, toàn bộ hệ thống Trung tâm Phục vụ Hành chính công chính thức vận hành với các chi nhánh và các điểm tiếp nhận, đại lý dịch vụ công trực tuyến trên toàn TP. Điều này giúp nâng cao sự minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ; hướng tới xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết TTHC...
Ông Bùi Thế Hùng - Giám đốc Chi nhánh số 3 (số 61 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) khẳng định: "Việc giải quyết TTHC là trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội luôn xác định lấy sự hài lòng của nhân dân, DN là thước đo để đánh giá cán bộ. Do vậy, mọi thủ tục, quy trình giải quyết TTHC tại trung tâm đều được công khai, minh bạch, tránh tham nhũng vặt".
Theo đại diện Chi nhánh số 3, mỗi Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội có chức năng giải quyết 378 thủ tục cấp huyện, 178 thủ tục cấp xã, trong có hỗ trợ tư pháp, quy hoạch, đăng ký kinh doanh… Đây là những loại giấy tờ trước đây, người dân và DN muốn làm phải lên bộ phận một của của sở, quận mới được cấp.

Giải quyết TTHC cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Chi nhánh Tây Hồ.
Quyết tâm từ TP đến cơ sở: Gắn CCHC với chuyển đổi số
Để có kết quả cao trong công tác CCHC, quyết tâm từ TP đã truyền tỏa tinh thần đổi mới xuống các cấp, ngành, quận, huyện và xã phường. Ngay từ đầu năm 2024, UBND quận Long Biên đã ban hành kế hoạch về "Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2024 trên địa bàn quận Long Biên" và đã số hóa 324 bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, UBND các phường.
Một số chỉ tiêu chính trong công tác CCHC luôn được quận kiểm soát tốt, đạt kết quả nổi bật: chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt 99,67%, xếp thứ 2/30; chỉ số CCHC năm 2024 đạt 95,39%, tăng 1,39% so với năm trước và vươn lên xếp thứ nhất trong 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn của quận luôn đạt 100%, trong đó số hồ sơ được giải quyết trước hạn tại cấp quận đạt trên 76%, cấp phường trên 97%.
Quận đã phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong công tác CCHC; chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả, gia tăng tiện ích phục vụ người dân, với nhiều đổi mới từ quận tới cơ sở. Tiêu biểu là mô hình đăng ký lịch hẹn làm việc với bộ phận "một cửa" online giúp người dân có thể đặt lịch hẹn làm việc online, chủ động thời gian giao dịch; giải pháp thay thế hệ thống máy xếp hàng tại bộ phận "một cửa" sử dụng thẻ từ gắn số kết nối với bàn điều khiển thứ tự thông qua sóng radio và sạc điện tại chỗ, được trang bị cho từng cán bộ công chức, chủ động tương tác với từng công dân tới làm TTHC.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận đã hoàn thành xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình sáng kiến về cải cách hành chính như: "TTHC không chờ", "Số hóa, xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết TTHC và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận Hoàn Kiếm", "Mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp phường", "Quét thẻ căn cước công dân nhận diện sinh trắc học, tự động nhập thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính"... Hiện nay, toàn bộ 357 quy trình ISO cấp quận đã được cập nhật trên phần mềm ISO điện tử quận giúp cho việc tra cứu, tổng hợp các quy trình được chủ động, kịp thời, thuận lợi..
Đối với quận Hai Bà Trưng, với những nỗ lực không ngừng, chỉ số CCHC của quận Hai Bà Trưng năm 2024 đã vươn lên vị trí thứ 6/30 quận huyện thị xã của TP, tăng 10 bậc so với năm trước. Quận là một trong số những đơn vị đầu tiên của Hà Nội đạt tỷ lệ cao trong cấp chữ ký số cá nhân, với 24.950 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân trên địa bàn (hoàn thành tỷ lệ 10% dân số trưởng thành). Đến nay 100% các phường đã thành lập 264 tổ chuyển đổi số cộng đồng tại tổ dân phố, với tổng số 1.718 thành viên.
Quận Tây Hồ cũng có chỉ số CCHC năm 2024 tiến bộ vượt bậc, vươn lên vị trí thứ 7/30 (năm trước ở vị trí thứ 23). Để đạt được kết quả này, sau khi biết kết quả năm 2023, lãnh đạo quận đã yêu cầu các đơn vị chỉ rõ nguyên nhân tồn tại ở nội dung nào, thuộc đơn vị đầu mối nào; yêu cầu từng đơn vị xây dựng kế hoạch khắc phục. Trên cơ sở đó, định kỳ hằng tháng quận có kiểm điểm, đánh giá hiệu quả triển khai.
Đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới. Đứng trước vận hội mới, Hà Nội cần xác định tầm nhìn xa hơn nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp, tận dụng tối đa thời cơ, huy động được nguồn lực tổng hợp để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Với tinh thần đổi mới, tới đây, Hà Nội sẽ không chỉ tạo nên những đột phá trong chỉ đạo điều hành mà còn đưa cải cách hành chính, tinh thần phục vụ nhân dân, DN lên một tầm cao mới.

Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024: Giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay
Kinhtedothi-Theo kết quả công bố, Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của các tỉnh, TP tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm trước.

Kết quả Chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2024: Cải thiện rõ rệt về chất lượng phục vụ
Kinhtedothi - Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS) ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân.

Chỉ số Hài lòng của Hà Nội tăng 10 bậc: nỗ lực của chính quyền được người dân đánh giá cao
Kinhtedothi-Theo kết quả Chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2024 công bố hôm nay, 6/4, TP Hà Nội đạt 86,5%, tăng 2,93% và xếp thứ 11/63 tỉnh, TP, tăng 10 bậc so với năm trước. Kết quả này của Hà Nội cao hơn so với Chỉ số Hài lòng chung của cả nước (SIPAS) chung của cả nước năm 2024 đạt 83,94%).