Chuyên gia đánh giá về tiến bộ kỹ thuật trong vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ phóng tên lửa diễn ra bất ngờ trong đêm, không có dấu hiệu cảnh báo là bằng chứng Triều Tiên đang dần hoàn thiện khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu.

Sáng 29/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gần Nhật Bản, sau vụ thử tên lửa gần đây nhất hồi giữa tháng 9. Theo giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc, tên lửa đạt độ cao tối đa 4.500 km, bay xa khoảng 1.000 km và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Quỹ đạo bay tương tự hai ICBM mà Bình Nhưỡng phóng hồi tháng 7.
 Một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Tuy nhiên, tên lửa lần này dường như bay lâu hơn, thời gian bay lên tới 53 phút, so với 37 phút và 47 phút ở 2 lần thử ngày 4/7 và 28/7.
Ông David Wright, Hiệp hội các Nhà khoa học tại Washington đánh giá tên lửa Triều Tiên phóng sáng nay hoạt động tốt hơn hai lần trước, có thể đạt tầm bắn lên tới gần 13.000 km, đủ sức vươn tới bất kỳ đâu trên đất liền Mỹ.
Triều Tiên đang phô diễn uy lực để cho Mỹ thấy rằng họ vẫn đạt được những tiến triển nhất định, ông Wright nhận định. Ông Daryl G. Kimball - Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington cho rằng, lần phóng tên lửa này là vụ thử ICBM có cường độ mạnh nhất được Bình Nhưỡng thực hiện.
Theo giới phân tích, vụ phóng mới nhất, diễn ra bất ngờ trong đêm, không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, là bằng chứng về việc Triều Tiên có lẽ đang dần hoàn thiện khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu để đối chọi với Mỹ.
Ngoài ra, việc phóng tên lửa trong đêm giúp giảm thời gian tên lửa lộ diện cho đến lúc được phóng vào không trung, khiến việc tấn công tên lửa trước thời điểm phóng trở nên khó khăn hơn đối với Mỹ, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn tình báo Stratfor Rodger Baker nhấn mạnh.
Để có được sự tiến triển này, Bình Nhưỡng đã cải tiến cách nạp nhiên liệu cho tên lửa theo chiều ngang, trước khi nó được đưa lên bệ phóng, ông Baker cho biết thêm.
Vụ phóng tên lửa diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên vào danh sách các nước hỗ trợ khủng bố và cho phép áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cử một đặc phái viên tới Bình Nhưỡng. Những động thái này tưởng như có thể gia tăng sức ép nhằm buộc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa mới đây nhất chính là khẳng định trực diện mà Bình Nhưỡng gửi tới Bắc Kinh và Washington rằng, Triều Tiên chắc chắn không bao giờ từ bỏ tham vọng hạt nhân.