Tách biệt với bên ngoài
Xóm Nước Mù chỉ cách trung tâm xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) chừng 3km, nhưng nơi đây dường như là một thế giới khác, tách biệt với xã hội bên ngoài.
Theo cách lý giải của người dân, tên “Nước Mù” có lẽ xuất phát từ việc xóm nằm ở rừng thăm thẳm ấy sương mù, vấn vít quanh năm. Nơi này là “thâm sơn”, đi lại làm ăn khó khăn, học hành con em trở ngại, nhưng nhiều năm qua xã vận động liên tục, vẫn còn một xóm nhỏ bám trụ, không chịu rời đi.
Từ con đường đất lởm chởm đá giáp điểm nối đường Đông Trường Sơn đến làng, phải tốn mất hàng giờ đi xe máy. Theo vị trí phân bổ dân cư, xóm Nước Mù được chia thành Nước Mù trên và Nước Mù dưới.
Cách đây vài năm trước, muốn đến được xóm Nước Mù chỉ có cách đi bộ theo lối mòn dốc ngược, sau đó vượt qua chiếc cầu treo làm bằng cây lồ ô bắc qua con suối là đến Nước Mù dưới, muốn đến Nước Mù trên, phải tiếp tục leo dốc chừng 1km nữa.
Còn bây giờ, đường bê tông 3km vào Nước Mù dưới đã được xây dựng. Cây cầu treo năm xưa cũng được thay bằng đập bê tông cốt thép. Đến Nước Mù dưới giờ thuận lợi hơn nhiều, chỉ còn đường lên Nước Mù trên vẫn dốc ngược, tít tắp như vô tận.
Dọc đường rừng dẫn lên Nước Mù trên, không gian vấn vít mù sương, những con vắt thân nhỏ như sợi tăm nằm chực sẵn trên những bụi cây, chỉ cần có hơi ấm thoảng qua là vươn thẳng, sẵn sàng tấn công.
Hơn một giờ băng rừng, đến gần trưa, Nước Mù trên hiện ra trước mắt với rừng lồ ô bạt ngàn, xanh ngắt. Xa xa là ruộng bậc thang bỏ hoang, là dòng nước chảy từ suối Nước Nỏ nghe tiếng róc rách. Bên sườn đồi, vài mái nhà sàn nhỏ lưa thưa.
Kiên trì vận động dân rời núi
Ở mảnh đất này, già Đinh Văn Dưa đã gắn bó gần cả đời người, ông từng là người làm ăn giỏi nhất, và cũng là người chần chừ lâu nhất khi đưa ra quyết định rời núi về trung tâm xã.
Chị Đinh Thị Thơ cho biết, cha chồng (ông Dưa) lớn tuổi, lại bị tai biến mạch máu não, lâu lâu trở bệnh nặng, phải dùng võng băng rừng đưa đi cấp cứu.
“Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đường trơn trượt, đi xuống con dốc khổ vô cùng. Vợ chồng tôi làm nhà ở trung tâm xã, nói mãi mà cha chồng không xuống. Ông bảo ở đây giữ đất tổ tiên, không quen sống ồn ào dưới ấy”, chị Thơ kể.
Sự cố chấp của ông Dưa cũng không phải là vô lý, bởi lẽ ở đây, có khoảng 1ha ruộng lúa bậc thang nằm bên đường lên Nước Mù trên do chính ông cật lực khai phá, cày cuốc mà thành.
Để khai hoang trồng lúa, có lẽ mồ hôi hai vợ chồng ông Dưa đổ xuống còn nhiều hơn con suối Nước Nỏ chảy qua làng. Vì vậy, đến ngày giáp hạt, ở làng này ai thiếu ăn chứ riêng gia đình ông thì không.
Ngoài ruộng, ông Dưa còn nuôi hàng chục con trâu, bò ngoài rừng và cả đàn gà, vịt thả rông. Chị Thơ bảo, ngày còn khỏe, mỗi lần đi xuống xã, qua làng khác, ngay cả ở Nước Mù dưới, ông Dưa vẫn nhất quyết đi về. Hai năm nay, ông đau ốm triền miên nên ruộng lúa nước bỏ hoang. Cuối cùng, ông Dưa cũng theo con "xuống núi" để tiện thuốc thang, chăm sóc...
Trong căn nhà sàn ở phía tây ngọn đồi, anh Đinh Văn Vinh (39 tuổi) ôm đứa con nhỏ hơn 1 tuổi ngồi tựa vào tấm vách, đứa lớn hơn ngồi bên cạnh.
Cả năm nay, anh Vinh ngồi nhà, ngày ngày trông vợ là chị Đinh Thị Sương (37 tuổi) đi làm về. Đôi mắt anh lờ đờ, mệt mỏi... Năm ngoái, anh gặp tai nạn giao thông khi trên đường đi khai thác keo thuê ở bên kia núi, sức khỏe sút kém từ đó. Nhắc đến chuyện "xuống núi", anh lắc đầu từ chối.
“Ở đây đi rừng, đi rẫy kiếm sống, đi khai thác keo, mì thuê cho người ta, kiếm mỗi ngày hơn 120 nghìn đồng. Rồi làm ít lúa nước, xuống núi không biết làm gì, dưới đó không có rẫy, không có ruộng”, anh Vinh trầm buồn.
Suốt một thời gian dài, xóm Nước Mù cứ heo hút và buồn bã, cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng các hộ dân. Mỗi tuần có người buôn bán nhỏ đứng dưới dốc, trong xóm ai muốn mua, đổi thức ăn thì leo xuống, mua xong rồi lại leo lên.
Do địa hình biệt lập, lọt thỏm giữa núi rừng nên đời sống của người dân ở Nước Mù trên gặp nhiều khó khăn, không tiếp cận được với các dịch vụ xã hội. Những năm qua, chính quyền địa phương đã vận động đưa dần đồng bào Cadong di dời đến nơi ở mới gần trung tâm xã. Thời gian trước, Nước Mù có chừng 20 hộ được vận động đưa dần xuống nơi ở thấp hơn.
Cách đây chừng 4 năm, Nước Mù còn 11 hộ với khoảng 40 nhân khẩu. Khi người dân không chịu "xuống núi", chính quyền địa phương đã tính đến việc kéo điện lên xóm Nước Mù. Thế nhưng, suất đầu tư 2 - 3 tỷ đồng là rất lớn, mà hộ thụ hưởng lại quá ít. Do đó, kiên trì vận động người dân di chuyển nơi ở xuống thấp là phương án được lựa chọn.
“Hiện nay, Nước Mù trên còn 1 hộ và Nước Mù dưới còn 3 hộ dân, họ muốn ở lại để thuận tiện cho việc sản xuất, làm nương rẫy. Do không có điện nên các hộ dân này mua bóng đèn năng lượng mặt trời về sử dụng. Đối với những hộ đã rời núi xuống nơi thấp hơn, xã cũng tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Đinh Văn Chung nói.