Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật: Đúng thời cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 10/2 đến Mỹ xóa tan các nghi ngại về quan hệ đồng minh với quốc gia châu Á.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 10/2 đã đến Mỹ, bắt đầu cuộc tiếp xúc lần thứ hai với tân Tổng thống Donald Trump kể từ sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống. Chuyến thăm được xem là có ý nghĩa đặc biệt, xóa tan các nghi ngại về quan hệ đồng minh với quốc gia châu Á.

Khẳng định quan hệ đồng minh

Theo lịch trình, Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump sẽ thảo luận về những cam kết quân sự và thương mại giữa Washington và Tokyo - trụ cột an ninh quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng cả với Nhật và Mỹ. 

 Ông Abe và phu nhân bắt đầu chuyến thăm Mỹ hôm 10/2.

Với Nhật Bản, chuyến thăm là lời khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc cả trong lĩnh vực an ninh và thương mại, sau chuyến thăm của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cuối tuần trước.

Còn với Mỹ, tân Tổng thống Donald Trump hy vọng sẽ xua tan những lo ngại về quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương qua chuyến thăm của Thủ tướng Nhật. Bình luận về chuyến thăm, hãng tin CNN cho rằng, tân Tổng thống Trump - người đang gây lo ngại cho các đồng minh trên khắp thế giới - cần chứng tỏ ông có thể xử lý các mối quan hệ ngoại giao với khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực có địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với vị thế siêu cường của Mỹ. Một quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền Tổng thống Trump cho biết, ông Trump đánh giá các đồng minh là “nền tảng” của an ninh Mỹ và thế giới. Đồng thời, coi những đồng minh ở châu Á là trung tâm của an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Ngoại giao sân golf

Chuyến thăm của ông Abe là lần thứ hai tân Tổng thống Mỹ tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông Trump chính thức nhậm chức hồi tháng trước. Trước đó, cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông Trump là với Thủ tướng Anh Theresa May. Điều này đã thể hiện tầm quan trọng của quan hệ Nhật - Mỹ, mặc dù trong quá trình tranh cử, ông Trump có nhiều phát ngôn gây nghi ngại với đồng minh lâu năm ở châu Á.

Điểm đặc biệt trong chuyến thăm lần này là việc giành ưu tiên rõ rệt để phát triển mối quan hệ cá nhân giữa hai nguyên thủ, làm vững chắc thêm mối quan hệ hai nước. Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, ông Trump sẽ đón tiếp Thủ tướng Nhật và phu nhân tại câu lạc bộ Mar - a - Lago của mình tại bang Florida và cùng chơi golf. Việc giới chức Mỹ lựa chọn hình thức "ngoại giao sân golf" để đón tiếp người đứng đầu chính quyền Tokyo được đánh giá là động thái khôn ngoan. Theo đó, ông Trump phát đi thông điệp mong muốn nhà lãnh đạo Nhật Bản là đối tác trên sân chơi, chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh.

Mong muốn này của giới chức Washington không phải là không có cơ sở vì trước khi tới Mỹ, ông Abe đã quyết định gửi trước "món quà" đáng giá cho Tổng thống Trump khi công bố gói kích thích nhằm tạo ra 700.000 việc làm cho Mỹ. Cụ thể, gói kích thích này đầu tư 17 nghìn tỷ Yên (tương đương 150 tỷ USD) vào các dự án cơ sở hạ tấng, tàu cao tốc, an ninh mạng, bao gồm xây dựng đường cao tốc ở phía đông bắc Mỹ và các bang Texas, California, và tái cấp đường điện ngầm, đường ray. 

Với những cam kết tiếp tục hậu thuẫn cho Tokyo mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định trong chuyến đi tới Nhật hồi đầu tháng và "món quà" kinh tế mà ông Abe mang tới Washington, các nhà bình luận cho rằng, lãnh đạo hai nước đều "lời to" từ chuyến thăm này. Gói kích thích của Nhật giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ của cộng đồng DN với khả năng điều hành nền kinh tế, trong khi Thủ tướng Abe củng cố vị thế đồng minh then chốt của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, tạo bệ phóng để Tokyo hướng tới một vai trò lớn hơn trong khu vực. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần