70 năm giải phóng Thủ đô

CNN lý giải thành tích “có một không hai” của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Nguyễn Phương (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng tin CNN (Mỹ) đặc biệt ấn tượng khi Việt Nam duy trì được tỷ lệ tử vong bằng 0 mặc dù hệ thống y tế ít phát triển hơn các quốc gia khác.

Trong bài viết đăng ngày 30/5, hãng tin CNN đã ca ngợi Việt Nam là một câu chuyện thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19
Bài viết có tựa đề "Làm thế nào để Việt Nam không có ca tử vong do dịch bệnh Covid-19", tác giả Nectar Gan đã tường thuật và phân tích kết quả thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Người dân tuân thủ lệnh giãn cách xã hội tại điểm phát gạo miễn phí ở Thủ đô Hà Nội ngày 11/4. Ành: AFP
Theo bài báo, hành động sớm, truy vết kỹ càng và chiến dịch truyền thông rộng rãi là những bí quyết giúp Việt Nam chống Covid-19 thành công.
"Khi cả thế giới nhìn sang châu Á để lấy ví dụ thành công trong công tác ứng phó bùng phát Covid-19, nhiều nơi dành sự chú ý và lời khen cho Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng có một câu chuyện thành công bị bỏ qua, đó là Việt Nam", là lời mở đầu bài viết của nhà báo Nectar Gan.
Tính đến ngày 30/5, Việt Nam, quốc gia với 97 triệu dân, không ghi nhận một ca tử vong nào do Covid-19 và chỉ có 328 người nhiễm, dù có đường biên giới dài giáp Trung Quốc và mỗi năm đón tiếp hàng triệu khách du lịch Trung Quốc.
Bài viết trên CNN cũng đặc biệt ấn tượng khi Việt Nam duy trì được thành tích ấn tượng này mặc dù là nước có thu nhập trung bình thấp và hệ thống y tế ít phát triển hơn các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực với tỷ lệ 8 bác sĩ trên mỗi 10.000 người dân, bằng 1/3 so với Hàn Quốc theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Sau 3 tuần áp dụng các biện pháp hạn chế, Việt Nam đã nới lỏng việc hạn chế xã hội vào cuối tháng 4 và hơn 40 ngày qua, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Theo CNN, nhiều người hoài nghi con số mà Chính phủ Việt Nam đưa ra không chân thực, nhưng ông Guy Thwaites - Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, số liệu này trùng khớp với tình hình thực tế.
"Tôi đến các khu bệnh mỗi ngày, tôi biết các trường hợp mắc bệnh, tôi biết không có người tử vong” - ông Thwaites khẳng định.
“Nếu có việc lây nhiễm trong cộng đồng không được báo cáo hay kiểm soát, chúng tôi sẽ biết được qua các ca tại bệnh viện của chúng tôi, sẽ không bao giờ xảy ra việc người dân đến đây bị bệnh viêm phổi mà không được chẩn đoán" - ông Thwaites cho hay.
Vậy làm thế nào mà Việt Nam tránh được tai họa do Covid-19 gây ra? Câu trả lời, theo các chuyên gia y tế, nằm ở sự kết hợp nhiều yếu tố, đó là phản ứng nhanh và sớm của Chính phủ, truy vết tiếp xúc và kiểm dịch chặt chẽ cùng truyền thông hiệu quả.
Việt Nam đã chuẩn bị cho tình hình bùng phát dịch bệnh nhiều tuần trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Trong khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiên định không có "bằng chứng rõ ràng" về việc truyền nhiễm từ người sang người thì Việt Nam đã không mạo hiểm như thế.
Bài viết dẫn lời bác sĩ Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Chúng tôi không chỉ đợi hướng dẫn từ WHO. Chúng tôi đã sử dụng các số liệu thu thập được từ trong và ngoài nước để quyết định hành động sớm".
Hành động sớm và quyết đoán đã giúp việc kiểm soát hiệu quả việc lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, nỗ lực truy vết tỉ mỉ, không chỉ liên lạc trực tiếp với người nhiễm bệnh mà còn với những mối liên hệ gián tiếp.
Từ đầu tháng 1, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt bất kỳ hành khách nào đến từ Vũ Hán tại sân bay quốc tế.
Giữa tháng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ra lệnh cho các cơ quan chính phủ thực hiện "các biện pháp quyết liệt" để ngăn chặn dịch lây sang Việt Nam, tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu, sân bay và cảng biển.
Ngày 23/1, Việt Nam xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên, một công dân Trung Quốc sống ở Việt Nam và bố của người này, từ TP Vũ Hán của Trung Quốc tới thăm con. Ngay ngày hôm sau, Việt Nam hủy mọi chuyến bay đến và đi Vũ Hán.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên chiến với Covid-19. Ngày 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo thành lập ban chỉ đạo quốc gia về kiểm soát dịch, cùng ngày với tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của WHO.
Ngày 1/2, Việt Nam công bố dịch Covid-19 khi mới ghi nhận 6 ca nhiễm trên toàn quốc. Mọi chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc bị dừng, tiếp theo là quyết định ngừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc. Việt Nam ra quyết định cấm nhập cảnh với mọi công dân nước ngoài hồi cuối tháng 3.
Các phương tiện tuyên truyền như loa phát thanh, bảng hiệu, mạng xã hội và báo chí cũng được huy động để nâng cao nhận thức về dịch bệnh Covid-19 cho người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp chủ động phong tỏa. Ngày 12/2, một thôn 10.000 dân ở phía Bắc Hà Nội, nơi phát hiện 7 ca mắc virus SARS-CoV-2 trong 20 ngày, đã bị phong tỏa. Đây là hoạt động  phong tỏa quy mô lớn đầu tiên ngoài Trung Quốc. Các trường học dự kiến mở lại vào tháng 2 sau Tết Nguyên đán, được lệnh đóng cửa và chỉ mở lại vào tháng 5.
Các nhà chức trách đã truy vết chặt chẽ những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, đưa họ vào trung tâm cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Nỗ lực truy vết của Việt Nam chặt chẽ tới nỗi không chỉ tìm ra người tiếp xúc trực tiếp mà còn cả người tiếp xúc gián tiếp.
"Đó là một trong những cách phản ứng rất độc đáo của Việt Nam. Tôi cho rằng không có quốc gia nào kiểm dịch nghiêm ngặt tới trình độ này", ông Thwaites đánh giá.
Cuối bài viết, tác giả phân tích sự hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền và truyền thông đến công chúng nhờ vào việc chính phủ đã truyền tải rõ ràng với cộng đồng về dịch bệnh ngay từ ban đầu.
Các trang web, số điện thoại đường dây nóng và các ứng dụng điện thoại thông minh đều được thiết lập để cập nhật diễn biến mới nhất của dịch bệnh cùng với các khuyến cáo y tế. Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở đến người dân.
Bên cạnh đó, các phương tiện tuyên truyền như loa phát thanh, bảng hiệu, mạng xã hội và báo chí cũng được huy động để nâng cao nhận thức về dịch bệnh Covid-19 cho người dân.
Ông Thwaites cho rằng, kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm, như dịch SARS từ năm 2002 tới 2003 và dịch cúm gia cầm sau đó, đã giúp chính phủ và người dân chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch Covid-19.
"Người dân có ý thức hơn với các bệnh truyền nhiễm so với những quốc gia khác giàu hơn hoặc chưa từng xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm như châu Âu, Anh và Mỹ. Người dân cũng hiểu rằng cần tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ hướng dẫn của chính phủ trong phòng chống lây nhiễm" - ông Thwaites cho hay.