Cơ hội để kiểm soát doanh thu và trợ giá
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội để kiểm soát doanh thu và trợ giá

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc áp dụng thẻ vé điện tử liên thông sẽ giúp TP kiểm soát được doanh thu từ VTHKCC, qua đó có mức trợ giá phù hợp mà vẫn bảo đảm hiệu quả.

Trợ giá xe buýt hay trợ giá tàu điện, thực chất là hỗ trợ tiền vé cho hành khách bằng ngân sách của TP. Tiền trợ giá được chi trả cho các DN khai thác VTHKCC thông qua việc kiểm soát, thống kê số lượng vé bán ra theo mọi hình thức: vé lượt, vé tháng, vé miễn phí…

Lâu nay vẫn có nhiều ý kiến lo ngại DN kê khai không trung thực doanh thu vé để hưởng mức trợ giá lớn. Với việc áp dụng thẻ vé điện tử liên thông, vấn đề đó sẽ được giải quyết triệt để. Khi áp dụng hình thức vé điện tử, doanh thu của mỗi tuyến xe buýt, tàu điện sẽ tự động được tính toán chính xác, minh bạch.

Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần dựa trên số lượng vé bán ra mà hệ thống đã thống kê đầy đủ để tính toán tiền trợ giá chi trả cho DN, bảo đảm không có sự sai lệch, thất thoát.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặt khác, thẻ vé điện tử cũng thể hiện rõ biểu đồ tăng giảm lượt khách qua từng giai đoạn, trên từng tuyến, từng loại hình VTHKCC. Từ đó, cơ quan quản lý có thể điều chỉnh kịp thời, phù hợp tần suất, số lượng lượt chuyến, giảm thiểu chi phí cho các tuyến không hiệu quả; tăng cường nguồn lực cho các tuyến có nhu cầu cao hơn.

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thanh toán điện tử đang dần thay thế hoàn toàn phương thức mua bán bằng tiền mặt phổ thông với nhiều phiền phức cố hữu. Để hòa vào xu thế chung, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, hệ thống VTHKCC bắt buộc phải chuyển đổi sang sang thẻ vé điện tử.

Hành khách khi đi xe buýt, tàu điện, xe đạp công cộng sẽ không cần chuẩn bị tiền mặt, chỉ cần quẹt thẻ, quét mã, thậm chí là sử dụng tài khoản trả trước cho mọi loại hình VTHKCC. Qua đó góp phần tạo nên hệ sinh thái của một đô thị thông minh mà lợi ích lớn nhất là dành cho người dân.

Tuy nhiên, để có một hệ thống hoàn hảo, hiệu quả cần phải có thời gian để xây dựng, điều chỉnh. Trước mắt thẻ vé điện tử cũng có thể gây ra ít nhiều khó khăn cho các DN khai thác VTHKCC. Nguyên nhân chính là do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.

Ví dụ như việc bán vé điện tử trên xe buýt vẫn còn những rủi ro nhất định đối với DN. Ngoại trừ tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa có hệ thống nhà chờ hiện đại, đủ điều kiện áp dụng vé điện tử, hầu hết các tuyến buýt khác đều có nguy cơ thất thoát doanh thu. Đặc biệt trong giờ cao điểm, khi lượng khách đổ dồn lên tại mỗi điểm dừng quá đông, nhân viên bán vé khó có thể thu đủ vé; thậm chí có thể xảy ra hiện tượng “ỉm” doanh thu.

Ở nhiều đô thị phát triển trên thế giới, xe buýt được trang bị máy quét, hoặc hộp đựng xu token. Hành khách lên xe chỉ cần quét mã, thả xu vào đó, thanh chắn sẽ tự mở để khách vào bên trong.

Nhưng hầu hết xe buýt của Hà Nội chưa có những trang bị này, việc bán vé điện tử vẫn phải dựa vào nhân viên phục vụ. Việc thay đổi hình thức bán vé đã tạo thuận lợi hơn cho hành khách, nhưng vẫn chưa thể khiến DN yên tâm.

Thiết nghĩ, song song với việc áp dụng công nghệ thẻ vé điện tử, Hà Nội cũng cần hoàn thiện các phương thức kiểm soát, đồng bộ hạ tầng, điều kiện kỹ thuật để phát huy hết hiệu quả, cũng như giảm thiểu rủi ro, phiền phức cho DN và người dân.