Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội khôi phục niềm tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới...

Kinhtedothi - Diễn ra trong bối cảnh sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới các thị trường toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mùa hè (Diễn đàn Davos mùa hè) được tổ chức tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh là cơ hội để quan chức nước chủ nhà chỉ ra tình trạng “sức khỏe” thực sự của nền kinh tế, con đường phát triển và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

Trong 2 ngày (9 - 10/9), hơn 1.700 đại biểu đến từ gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tập trung thảo luận về chủ đề “Phác họa lộ trình tăng trưởng mới” giữa lúc tình trạng “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gây ra không ít quan ngại cho các nhà điều hành chính sách toàn cầu. Nỗi bất an càng tăng lên sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Chu Hiểu Xuyên lần đầu lên tiếng về tình trạng bong bóng chứng khoán tại nước này đã vỡ.

Đóng góp 30% GDP toàn cầu

Nhằm trấn an những lo lắng của giới đầu tư toàn cầu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, nền kinh tế nước này vẫn đang trong tình trạng “khỏe mạnh” và chắc chắn sẽ không “hạ cánh cứng”. Khẳng định, tốc độ tăng trưởng 7% trong nửa đầu năm nay là một thành tích ấn tượng giữa lúc kinh tế toàn cầu vẫn đang suy thoái. Quan trọng hơn, mức tăng trưởng 7% của một nền kinh tế có quy mô 10.000 tỷ USD như Trung Quốc lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 10% của một nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn. Vì thế, tốc độ tăng trưởng tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng Trung Quốc vẫn đóng góp tới 30% tổng giá trị GDP toàn cầu trong nửa đầu năm nay. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, 7% đơn giản chỉ là một con số bởi mục tiêu của Trung Quốc là đảm bảo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện môi trường đầu tư. Trên thực tế, số người có việc làm trong nửa đầu năm đã vượt quá 7,1 triệu, đạt 72% mục tiêu tạo 10 triệu việc làm cho cả năm.
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế thế giới mùa hè.  	Ảnh: Futian
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế thế giới mùa hè. Ảnh: Futian
Quan trọng hơn, sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đã gắn nhiều hơn với tiêu dùng, điển hình như tăng trưởng bán lẻ nội địa đã tăng hơn 10%. Bên ngoài lãnh thổ, con số hơn 100 triệu người Trung Quốc du lịch mỗi năm đã biến nước này là thị trường du lịch trọng điểm của nhiều nước. Sự lao đao của ngành du lịch, bán lẻ và kinh doanh mỹ phẩm của Hàn Quốc khi du khách Trung Quốc hủy tour vì dịch MERS là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của thị trường đầy tiềm năng này.

Những nhà vô địch mới

Nhấn mạnh sự biến động về tăng trưởng của Trung Quốc trong môi trường kinh tế thế giới hiện nay không phải là điều bất thường, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, nền kinh tế nước này sẽ không “hạ cánh cứng”. Chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị những kịch bản khác nhau cho tăng trưởng kinh tế và có đủ khả năng ứng phó với tình huống xấu. Dù thừa nhận Trung Quốc đã phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng nhưng người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng, cơ hội luôn song hành cùng thách thức và sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp là động lực tăng trưởng quan trọng. Lấy ví dụ về một công ty sản xuất chip vi điều khiển từ chỗ chỉ có 10 nhân viên, sau 2 năm đã thu hút được nguồn chất xám của 280.000 kỹ sư tham gia nâng cấp 30.000 cỗ máy đã lỗi thời tại khu vực Đông Bắc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gọi những DN tương tự bằng danh xưng “nhà vô địch mới”. Nhằm hỗ trợ 7 triệu sinh viên ra trường mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc tuần trước đã “bơm” cho quỹ hỗ trợ khởi nghiệp khoản tiền lên tới 9,4 tỷ USD.

Tất nhiên, sự thành công của những “nhà vô địch mới” vẫn là câu chuyện của tương lai và không phải ai cũng tin tưởng vào các luận điểm về phát triển kinh tế bền vững của giới chức Bắc Kinh. Nhưng sự nhìn nhận một cách thẳng thắn về những nguy cơ mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt và sự tự tin vào triển vọng kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phần nào trấn an được các nhà đầu tư.