Cơ hội thanh minh của Trung Quốc?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân...

Kinhtedothi - Diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng T.Ư G20 diễn ra trong hai ngày 26 - 27/2, bên cạnh bàn thảo những vấn đề nóng nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, còn là cơ hội để lãnh đạo nước chủ nhà vực dậy uy tín nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Lãnh đạo Qũy Tiền tệ thế giới (IMF) lưu ý, lời cam kết G20 đưa ra năm 2014, rằng sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 2% cho tới năm 2018, vẫn còn là mục tiêu quá xa. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay, có khả năng con số này chỉ dừng lại ở 0,8%.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ phát biểu tại G20.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ phát biểu tại G20.
Nguyên nhân là tăng trưởng không đồng đều giữa các nền kinh tế lớn thời gian gần đây: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hồi tháng 12/2015, Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BoJ) đưa ra mức lãi suất âm và Ngân hàng T.Ư châu Âu nhăm nhe tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Những chính sách đối lập của các nền kinh tế lớn bày ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế mới nổi. Đó là dòng tiền nóng chảy về Mỹ, nguy cơ bong bóng tài sản vỡ, tăng trưởng lãnh đạm và hoạt động tái cấu trúc suy giảm. Nền kinh tế phập phù của Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ làm đau đầu các nhà kinh tế toàn cầu.

Ban đầu, G20 chọn Trung Quốc tổ chức hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng năm nay nhằm kỳ vọng tôn vinh những thành tựu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như quảng bá thành công mô hình kinh tế mới. Tuy nhiên, khác với thời điểm đó, kinh tế Trung Quốc hiện đã chững lại, bong bóng chứng khoán vỡ và mô hình phát triển bị nghi ngờ. Do đó, G20 với vị trí ở TP Thượng Hải là cơ hội giúp Bắc Kinh thanh minh về các vấn đề kinh tế, trong đó có “vực dậy” uy tín của đồng Nhân dân tệ ngay trước khi chính thức tham gia rổ tiền tệ dự trữ vào tháng 10 tới. Đặc biệt khi giá trị đồng nội tệ Trung Quốc đã giảm liên tục trong vài tháng qua do dòng vốn tháo chạy. Năm ngoái, luồng vốn dòng chảy ra nước ngoài vào khoảng 676 tỷ USD tới 1.000 tỷ USD, theo số liệu Bloomberg dẫn từ Viện Tài chính Quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị G20, thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên đưa ra thông điệp đầy tự tin và khẳng định nước này sẽ không đưa thêm các đợt giảm giá nội tệ để hỗ trợ kinh tế. Ông cũng khẳng định, những dấu hiệu lạc quan về tăng trưởng Trung Quốc năm 2016 cho thấy PBoC vẫn còn dư địa và công cụ để nới lỏng chính sách tiền tệ, bất chấp việc suy giảm dự trữ ngoại hối gần đây.

Đi ngược với tuyên bố của Thống đốc Xuyên, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bày tỏ phản đối bất kỳ kế hoạch kích thích tài khóa nào từ G20. Bởi dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ đã cạn kiệt, và tiếp tục duy trì những chính sách như dùng nợ để thúc tăng trưởng, giảm lãi suất… sẽ dẫn đến những nền kinh tế “thây ma”. Theo ông, giá dầu giảm sâu là gói kích thích lớn nhất cho kinh tế toàn cầu, thay vào đó, nên duy trì điều chỉnh thị trường, ban hành cải cách kinh tế và bình ổn thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần