Cơ hội tìm việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 3 tháng đầu năm 2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội tăng 23,52% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí.

Số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 23,52%

3 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 14.284 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thông qua hình thức đến trực tiếp và đăng ký qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tăng 23,52% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả đã có 13.369 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

3 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 14.284 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc.
3 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 14.284 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc.

“Việc tăng 23,52% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái khá cao. Có nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến DN thiếu đơn hàng, nguyên liệu sản xuất dẫn đến giãn việc, cắt giảm lao động; công ty giải thể. Người lao động cảm thấy công việc không còn phù hợp; khi người lao động hết hạn hợp đồng không được DN ký lại dẫn đến số người thất nghiệp tăng” - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu lý giải.

Những người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hưởng một số tiền trợ cấp nhất định theo quy định của Nhà nước (60% tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động) còn được tư vấn việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề, hưởng thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

100% người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cán bộ đơn vị tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề. Cụ thể, trong quý I/2023, đã có 272 người có quyết định hỗ trợ học nghề, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp phán khởi khi được đào tạo nghề miễn phí. Ảnh: Thủy Trúc.
Các lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp phán khởi khi được đào tạo nghề miễn phí. Ảnh: Thủy Trúc.

Hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện đào tạo 4 nghề là: Kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật chế biến món ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp. Để tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho người lao động, ngoài 4 nghề trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn giới thiệu người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép đào tạo trên địa bàn TP Hà Nội với gần 20 nghề. Những ngành nghề được người lao động đăng ký học nhiều là: Kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật chế biến món ăn, lái xe, làm bánh, chăm sóc sắc đẹp, du lịch – nhà hàng – khách sạn,… Đa phần người lao động học nghề kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật chế biến món ăn có độ tuổi ngoài 35 nên sau khi tốt nghiệp khóa học, họ khởi nghiệp bán hàng online và có nhiều khách bởi sản phẩm chất lượng, bắt mắt.

100% người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, những ngày này Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp nhận nhiều người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mọi người lao động được các cán bộ Trung tâm hướng dẫn thưc hiện thủ tục nhanh chóng và thông tin về những chính sách được hưởng cũng như tư vấn việc làm miễn phí, giới thiệu các nghề để lựa chọn học.

Khi người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được các cán bộ tư vấn giới thiệu việc làm. Ảnh: Thủy Trúc. 
Khi người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được các cán bộ tư vấn giới thiệu việc làm. Ảnh: Thủy Trúc. 

Chị Phạm Thị Hường (47 tuổi, đến từ phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện khai báo tình trạng việc làm, bộc bạch: "Tôi tham gia chính sách bảo hiểm xã hội được 27 năm. Trước đây, tôi làm tạp vụ ở trường mầm non nhưng sau đại dịch Covid-19 tình hình hoạt động của trường gặp khó khăn nên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng với việc được trợ cấp tiền bảo hiểm thất nghiệp, tôi rất muốn tìm công việc phù hợp để làm việc, có thu nhập lo cho các con ăn học và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Tôi đã đăng ký công việc tạp vụ trong siêu thị để các cán bộ Trung tâm tìm giúp".

Anh Đinh Văn Bảo đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã đăng ký học nghề lái xe để chuyển đổi công việc. Ảnh: Thủy Trúc. 
Anh Đinh Văn Bảo đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã đăng ký học nghề lái xe để chuyển đổi công việc. Ảnh: Thủy Trúc. 

Có những người lao động khác đang được hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp lại muốn đăng ký học nghề để tìm công việc mới, cơ hội khác cho bản thân. Đơn cử như anh Đinh Văn Bảo (quê Sơn La, đang thuê trọ ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Trước đây, tôi làm việc tại một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Bắc Ninh. Cuối năm qua, công ty ít việc, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống nên chúng tôi đã nghỉ việc. Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục, tôi được hướng dẫn tận tình và thực hiện nhanh chóng. Hiện nay, tôi được nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, mỗi tháng 5,1 triệu đồng. Tôi đã quyết định đăng ký học nghề lái xe để chuyển đổi công việc.

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã phát triển mạnh, các DN yêu cầu người lao động có trình độ và kỹ năng ngày càng cao hơn trước. Theo bà Vũ Thanh Liễu, để giữ được công việc thì điều quan trọng nhất là người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức, bổ sung kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của các công ty. Những người lao động đã mất việc làm, khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hãy mạnh dạn đăng ký học một nghề phù hợp với nhu cầu bản thân để tăng thêm cơ hội việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động.