Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu công nghệ lại bị bán tháo, chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai trong 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ trước cuộc họp chính sách của FED vào tuần này.

Chứng khoán Mỹ giao dịch kém khởi sắc trong phiên ngày 14/3 trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng chờ đợi những diễn biến của cuộc xung đột tại Ukraine và tác động tới giá dầu thô. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong tuần này.

Hai trong 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 14/3. Ảnh: NYSE
Hai trong 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 14/3. Ảnh: NYSE

Trong phiên giao dịch đầu tuần, lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng là những nhóm tác động lớn nhất đến chỉ số S&P 500, do FED dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm trong cuộc họp từ ngày 15-16/3. Lãi suất cao hơn là một tiêu cực đối với cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng vì định giá phụ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền trong tương lai.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 mất 0,7%, xuống còn 4.173,11 điểm, còn Nasdaq Composite sụt 2,04%, về mức 12.581,22 điểm. Cả 2 chỉ số này đều chứng kiến phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp trong 8 phiên vừa qua. Trong khi, chỉ số Dow Jones gần như đi ngang khi cộng 1 điểm lên 32.945,24 điểm, sau khi tăng tới 450 điểm ở đầu phiên.

Ông Tom Martin, Quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments, nhận xét: “Nhà đầu tư gia tăng quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn thận trọng và không muốn bán hết tất cả vì họ hy vọng thị trường sẽ có một đợt phục hồi mạnh mẽ”.

Thị trường Phố Wall tiếp tục dõi theo cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khi hai nước này bắt đầu vòng đàm phán thứ tư vào ngày thứ Hai. Một quan chức Ukraine cho biết các mục tiêu của nước này là đảm bảo quân đội Nga lập tức ngừng bắn và rút quân, cùng với những đảm bảo về an ninh khác.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và chuyên gia tài chính đang dự báo Nga có thể sắp vỡ nợ nước ngoài vì các lệnh trừng phạt hà khắc của các nước  phương Tây, kéo theo rủi ro lan truyền cho hệ thống tài chính thế giới.

Cổ phiếu Apple là một trong những mã giảm mạnh nhất thuộc Dow Jones  khi mất 2,6% trong phiên ngày thứ Hai. Cổ phiếu này đã dẫn đầu đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ khi đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc làm gia tăng lo ngại rằng các biện pháp phong tỏa một phần có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề về chuỗi cung ứng. Cổ phiếu Intel và Salesforce lần lượt hạ 3,1% và 2,4%.

Cổ phiếu Qualcomm, một trong những mã giảm mạnh nhất thuộc S&P 500, lao dốc 7,2%. Cổ phiếu các hãng sản xuất con chip cũng nhuộm sắc đỏ, với cổ phiếu Marvell sụt 4,5% và cổ phiếu Nvidia mất 3,4%.

Phiên giảm điểm của chứng khoán Mỹ diễn ra khi giá hàng hóa bắt đầu hạ nhiệt. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 5,7% xuống còn 103,01 USD/thùng. Giá dầu WTI có thời điểm trong phiên ngày 14/3 đã giảm xuống dưới ngưỡng  100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ ngày 24/2.

Giá vàng cũng giảm 1,2% còn 1.960,8 USD/ounce. Giá kim loại palladium ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ ngày 13/3/2020 khi sụt 13,5% còn 2.418 USD/ounce.

Ngoài căng thẳng Nga- Ukraine, nhà đầu tư cũng đang chờ kết quả từ cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 15-16/3 của FED. Tại cuộc họp sắp tới, FED có thể thông báo về đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ khi hạ lãi suất xuống mức 0-0,25% hiện nay vào năm 2020 để đối phó cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo dự báo của Phố Wall, mức nâng lãi suất trong kỳ họp này của FED sẽ là 0,25 điểm phần trăm.

Nhận định với CNBC, ông Lindsey Bell, trưởng bộ phận thị trường và chiến lược tiền tệ tại Ally cho biết: “FED có thể sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra chính sách lãi suất trong năm 2022 do tình hình xung đột ở Ukraine”.