Cổ phiếu ngân hàng Eximbank đang rẻ hay quá đắt?

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua cổ phiếu EIB của Eximbank luôn là công cụ thâu tóm quyền kiểm soát ngân hàng nên giá chủ yếu có xu hướng tăng. Nhưng khi giá của nó đảo chiều giảm và đo sàn liên tục có nghĩa vai trò đó đang bị trục trặc.

Sau 7 phiên liên tục từ ngày 9 đến 17/11 bị đo sàn, giá cổ phiếu EIB giảm từ 30.000 đồng còn 18.150 đồng, tức giảm 39,5%. Nếu tính từ phiên 27/10 có mức giá 42.000 đồng thì giá cổ phiếu này giảm đến 56,8%. Tuy nhiên phiên 18/11 giá EIB lại tăng trần, lên mức giá 18.400 đồng. Câu hỏi đặt ra liệu có phải nhà đầu tư đã xuống tiền bắt đáy nên giá cổ phiếu này lội ngược dòng không? Chắc chắn không như vậy mà lý do khác bài viết này muốn chỉ ra.

Cổ phiếu ngân hàng Eximbank đang rẻ hay quá đắt?
Cổ phiếu ngân hàng Eximbank đang rẻ hay quá đắt?

Công cụ thâu tóm kiểm soát ngân hàng

Theo giải trình của Eximbank (sau 5 phiên giảm sàn), giá cổ phiếu EIB biến động mạnh nguyên nhân do cung cầu thị trường, nằm ngoài kiểm soát của ngân hàng, hiện hoạt động ngân hàng vẫn bình thường, thậm chí lợi nhuận 9 tháng đầu năm đã vượt 27% của kế hoạch năm. Giải trình này là đúng không thể phủ nhận, nhưng chưa phản ánh được nguyên nhân biến động mạnh của cổ phiếu EIB.

Có thể thấy nguyên nhân chính giá cổ phiếu EIB trồi sụt và dường như đi ngược với giá cổ phiếu cùng nhóm ngân hàng trong thời gian qua, là do cổ phiếu này chủ yếu đóng vai công cụ thâu tóm kiểm soát ngân hàng. Khi cổ phiếu đã trở thành công cụ thâu tóm kiểm soát ngân hàng, thì giao dịch theo phương thức khớp lệnh bị quyết định bởi giao dịch lô lớn qua thỏa thuận giá là chủ yếu. Chẳng hạn, theo thống kê tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu EIB trong tháng 10 vừa qua là 412.914.810 cổ phiếu, thì giao dịch thỏa thuận là 378.798.610 cổ phiếu, chiếm áp đảo đến 91,74% tổng khối lượng giao dịch.

Không những vậy, để có thể trở thành cổ đông kiểm soát, thông thường các nhà đầu tư sẽ cấu kết thành nhóm cổ đông và ủy quyền người đại diện cử vào thành viên hội đồng quản trị ngân hàng. Một ngân hàng có quy mô tài sản, mạng lưới rộng và bề dày lịch sử hàng đầu nhóm ngân hàng tư nhân như Eximbank đương nhiên luôn xuất hiện các nhóm cổ đông kỳ vọng kiểm soát. Cũng chính có nhiều nhóm cổ đông có mục tiêu thôn tính nhưng khác biệt vể mục tiêu, lợi ích kỳ vọng nên từ năm 2015 đến nay hoạt động của Eximbank luôn trong tình trạng bất ổn nội bộ về quản trị, cổ đông không hề nhận được cổ tức

Mặc dù gần đây, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 một vị lãnh đạo Eximbank đã khẳng định “tình trạng bất ổn nội bộ đã kết thúc”, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa hết những cơn sóng ngầm nhằm thôn tính kiểm soát ngân hàng.

Số liệu thống kê cho thấy có 155,3 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, chiếm 70,45% tổng khối lượng giao dịch trong 7 phiên cổ phiếu EIB bị liên tục đo sàn vừa qua. Tuy nhiên, trước đây giao dịch thỏa thuận đẩy giá lên trần thì nay ngược lại, ép giá xuống sàn. Tại sao như vậy?

Thứ nhất, do sau khi nhóm cổ đông Tập đoàn Thành công rút khỏi danh sách nhóm cổ đông lớn (9,56%) vào giữa tháng 10 vừa rồi đã tạo hẫng hụt tạm thời cơ cấu nhóm cổ đông lớn hiện hữu, trong khi nhóm cổ đông tiếp quản chưa sẵn sàng đóng vai tham gia kiểm soát. Trước đó, cổ đông nắm giữ 15% vốn điều lệ Eximbank là Sumitomo Mitsui Corpration (Nhật Bản), đã chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược để rút khỏi ngân hàng này. Điều đó như một tín hiệu, rằng cổ phiếu EIB sẽ chấm dứt cơ hội tăng giá bởi các giao dịch thỏa thuận dành quyền kiểm soát ngân hàng.

Thứ hai, do biến động gần như ngược chiều nên so với các cổ phiếu cùng nhóm ngân hàng, thì cổ phiếu EIB đã trở nên quá đắt đỏ và nguy cơ rủi ro cao. Phần lớn nhà đầu tư muốn đầu tư vào cổ phiếu EIB sẽ rơi vào tình trạng tâm lý sợ rủi ro, trong khi đó các cổ đông nhỏ hiện hữu của ngân hàng mong bán chốt lời nhưng lại khó khăn. Tức ngoài thì muốn vào và trong muốn ra nhưng đều bị rào cản. Lúc này giá EIB bị điều chỉnh và liên tục đo sàn nhiều phiên như vừa rồi là một cách tất yếu để lập lại cân bằng mà thôi.

Cổ phiếu EIB thực sự giá đang rẻ hay quá đắt?

Giai đoạn 2009 -2013, hoạt động kinh doanh của Eximbank được đánh giá đứng vị thế thứ 5 sau nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng từ năm 2014 đến nay chỉ được đánh giá mức trung bình trong nhóm ngân hàng tư nhân. Chính vì vậy, giá cổ phiếu EIB chỉ có thể so sánh với giá các cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm này mới hợp lý.

Cụ thể, để xem giá cổ phiếu EIB đắt hay rẻ nên so sánh với giá từng cổ phiếu trong nhóm 13 cổ phiếu ngân hàng tư nhân cùng niêm yết trên sàn giao dịch HoSE hiện tại. Đó là các mã cổ phiếu TCB, MBB, ACB, STB, HDB, VPB, VIB, OCB, SSB, MSB, LVB, TPB và EIB.

Theo giá hiện tại là 19.400 đồng (phiên 18/11) thì mức giá của EIB chỉ đứng sau 3 mã cổ phiếu là SSB, ACB,TPB và cao với cách biệt khá lớn so với giá nhiều cổ phiếu khác. Mức giá này đã phản ánh đúng tương quan giá cổ phiếu trong nhóm chưa? Câu trả lời dứt khoát là chưa khi sử dụng phương pháp phân tích tin cậy.

Tỷ số thị giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) hiện tại của EIB là 11,8 chỉ thấp hơn P/E của SSB (13,8), và cao hơn với mức rất lớn so với P/E của các cổ phiếu còn lại trong nhóm. P/E hiện tại của các cổ phiếu STB, TPB, OCB, VIB, ACB, MSB, HDB, VPB, TCB và MBB chỉ có mức thứ tự tương ứng là 9 – 6 – 5,4 – 5,3 - 4,9 – 4,3 – 4,3 – 4,1 – 3,9 và 3,8.

Tuy nhiên về lý thuyết đánh giá mức đắt rẻ của cổ phiếu dựa vào P/E chỉ có giá trị tương đối, bởi quy mô vốn chủ sở hữu và các yếu tố liên quan giữa các ngân hàng là khác nhau. Nhưng nếu lựa chọn 3 cổ phiếu trong nhóm là EIB, LPB, OCB có quy mô vốn chủ sở hữu gần ngang nhau và các yếu tố liên qua khá tương tự, đồng thời dùng phép tính xác định giá cổ phiếu này đắt hay rẻ so với cổ phiếu khác trong rổ cổ phiếu so sánh sẽ có kết quả chính xác hơn.

Theo đó, giá cổ phiếu EIB đang đắt hơn cổ phiếu LPB là 13.395 đồng và đắt hơn cổ phiếu OCB là 10.490 đồng (Số tiền đắt hơn = Thị giá EIB hiện tại – (P/E cổ phiếu so sánh x EPS hiện tại của EIB). Như vậy với thời điểm hiện tại giá cổ phiếu EIB đang quá đắt đỏ.

Thực tế EIB đang trở thành loại cổ phiếu đóng vai trò công cụ thâu tóm kiểm soát ngân hàng. Cho nên cổ đông/nhóm cổ đông muốn tranh giành quyền kiểm soát ngân hàng họ sẽ tìm cách thu gom cổ phiếu thông qua thương lượng lô lớn và sẵn sàng chấp nhận trả mức giá trần. Việc dành quyền kiểm soát ngân hàng khi cánh cửa thành lập ngân hàng mới dường như đã đóng chặt từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước, cho nên họ phải hy sinh hiện tại để thực hiện mục tiêu thâu tóm.

Thế nhưng đối với các cổ đông nhỏ không có mục tiêu kiểm soát ngân hàng thì việc đầu tư cổ phiếu EIB cũng cần cân nhắc lựa chọn. Cổ đông có thể hưởng lợi “ăn theo” khi giá cổ phiếu tăng nếu chốt được lời nhưng có thể họ phải chấp nhận rủi ro về khả năng thanh khoản cổ phiếu kém phải nhốt vốn vào ngân hàng. Đó là chưa kể ngân hàng này bị bất ổn định trong quản trị điều hành kinh doanh do mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông.