80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cổ phiếu toàn cầu bật tăng, euro vững giá nhờ thỏa thuận Mỹ - EU

Kinhtedothi - Những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy nguy cơ chiến tranh thương mại đang lùi xa, mở ra hy vọng về ổn định kinh tế và định hướng chính sách rõ ràng trong thời gian tới.

Thị trường tài chính toàn cầu khởi đầu tuần mới với sắc xanh lan tỏa khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã giúp phần làm dịu căng thẳng địa chính trị và gia tăng kỳ vọng về sự ổn định chính sách.

Đồng euro tăng giá, các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á, châu Âu và Mỹ đều ghi nhận mức tăng, trong bối cảnh giới đầu tư theo dõi sát sao các cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Thỏa thuận khung vừa đạt được giữa Washington và Brussels đã hạ mức thuế nhập khẩu đối với phần lớn hàng hóa EU từ mức đe dọa 30% xuống còn 15%. Đây là bước đi nối tiếp sau thỏa thuận tương tự giữa Mỹ và Nhật Bản một tuần trước, qua đó làm dịu lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc chiến thương mại quy mô lớn giữa các nền kinh tế chủ chốt.

“Áp thuế 15% với hàng hóa châu Âu, yêu cầu mua năng lượng và thiết bị quân sự Mỹ, trong khi EU không đáp trả bằng thuế quan, cho thấy nghệ thuật đàm phán từ Washington" - ông Prashant Newnaha, chiến lược gia cấp cao về lãi suất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại TD Securities, nhận định.

“Đây là một chiến thắng lớn cho Mỹ.”

Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á, châu Âu và Mỹ đều ghi nhận mức tăng. Ảnh: Xinhua

Hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 0,4%, Nasdaq tăng 0,5% trong phiên sáng thứ Hai. Cổ phiếu blue-chip Trung Quốc nhích 0,3%, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,75%. MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,27%, gần sát mức cao nhất trong bốn năm. Riêng chỉ số Nikkei của Nhật giảm 0,8% sau đợt tăng mạnh tuần trước.

Đồng euro tăng 0,2% so với đồng USD, lên mức 1,1763 USD, đồng thời cũng ghi nhận mức tăng tương tự so với đồng yên Nhật, nhờ tâm lý tích cực sau khi Mỹ và EU đạt được thỏa thuận thương mại khung. Ngược lại, đồng USD gần như không biến động so với yên Nhật, duy trì quanh mốc 147,68. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính, giảm nhẹ 0,1%, còn 97,534 điểm.

Rodrigo Catril, chuyên gia từ Ngân hàng Quốc gia Úc, đánh giá: “Giờ đây khi mọi thứ đã rõ ràng hơn, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu, nhà đầu tư sẽ cảm thấy sẵn sàng hơn trong việc mở rộng đầu tư và tìm kiếm cơ hội”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết EU sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ USD vào Mỹ, bao gồm các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng. Trước đó, Nhật Bản cũng cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ và áp mức thuế tương tự với hàng nhập khẩu.

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại Stockholm vào thứ Hai để đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận đình chiến thương mại hết hạn ngày 12/8. Mặc dù chưa có kỳ vọng về đột phá, khả năng gia hạn thêm 90 ngày được đánh giá cao.

Thị trường năng lượng cũng có phản ứng tích cực. Giá dầu Brent tăng 0,29% lên 68,64 USD/thùng, dầu WTI tăng 0,23% lên 65,31 USD/thùng.

Đọc thêm: Đàm phán nghẹt thở, Mỹ chốt thỏa thuận thương mại lịch sử với EU

Tony Sycamore từ IG nhận định: “Với nguy cơ chiến tranh thương mại đang được xoa dịu, thị trường tài chính và giá dầu được hỗ trợ mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế bởi triển vọng OPEC+ có thể nới lỏng thêm cắt giảm sản lượng. Một cuộc họp giám sát thị trường của khối này diễn ra vào thứ Hai, nhưng các đại biểu cho rằng khó có khả năng điều chỉnh kế hoạch tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày vào tháng 8.

JP Morgan cho biết nhu cầu dầu toàn cầu tăng 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ dầu toàn cầu cũng tăng 1,6 triệu thùng/ngày, phản ánh sự cải thiện tiêu dùng, đặc biệt trong mùa hè.

Tại Trung Đông, lực lượng Houthi tuyên bố sẽ tấn công các tàu đến cảng Israel, bất kể quốc tịch. Đây là giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự của nhóm nhằm phản ứng với cuộc xung đột tại Gaza. Dù chưa tác động ngay đến giá dầu, tình hình này được các nhà phân tích theo dõi sát sao do nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Tuần này, thị trường toàn cầu sẽ tập trung vào các cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), cùng với báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ và kết quả kinh doanh từ các “ông lớn” công nghệ như Apple, Microsoft và Amazon. Mặc dù khả năng thay đổi lãi suất là không cao, giới đầu tư vẫn kỳ vọng những tuyên bố từ các quan chức sẽ cung cấp manh mối về hướng đi chính sách trong thời gian tới.

Một số thành viên do Trump bổ nhiệm vào Hội đồng Fed đã lên tiếng ủng hộ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn thận trọng, chờ thêm dữ liệu kinh tế, đặc biệt là chỉ số giá PCE và báo cáo việc làm, trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.

Kieran Williams từ InTouch Capital Markets nhận định: “Nếu lạm phát tiếp tục giảm, khả năng thay đổi chính sách sẽ được lùi sang tháng 9”.

Giá vàng đã giảm về mức thấp nhất trong hai tuần do nhu cầu trú ẩn giảm, khi thị trường kỳ vọng các thỏa thuận thương mại sẽ giúp giảm căng thẳng toàn cầu.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Mỹ quyết không nhượng bộ trước hạn chót áp thuế quan

Mỹ quyết không nhượng bộ trước hạn chót áp thuế quan

28 Jul, 03:24 PM

Kinhtedothi - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại, giữa bối cảnh thời điểm hạn chót để Washington áp đặt thuế quan lên toàn cầu đang ngày một cận kề.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ