70 năm giải phóng Thủ đô

Có tiền chưa tiêu, lỗi tại ai?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài chậm là "căn bệnh" nhiều năm qua, đến năm nay càng trầm trọng hơn.

Tính đến ngày 31/3/2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của cả nước đạt chưa tới 1% (0,99%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ.

Trong những hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương để thúc tiến độ giải ngân vốn ODA, Bộ KH&ĐT liên tục kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho phép chuyên gia, tư vấn nhập cảnh. Đồng thời, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của những dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án.

Chính phủ cũng đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế, giải pháp chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA năm 2022 còn chậm. Ngoài yếu tố khách quan, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phải nhìn nhận thẳng thắn: Một số dự án đã được bố trí vốn, hoàn thành thủ tục đầu tư, nhưng chậm giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất thiết kế cơ sở, trong khi một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc do thủ tục giải ngân phức tạp.

Việc giải ngân chậm còn do các địa phương, bộ, ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, với nhu cầu... đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được. Các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất chậm.

Việc giải ngân chậm vốn vay ODA sẽ dẫn đến tình trạng rút ngắn thời gian giải ngân và các dự án sẽ phải vừa rút vốn vừa trả nợ hoặc kéo theo tình trạng hủy vốn với nhà tài trợ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế. Đặc biệt, một số nơi hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong những năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.

Tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn ODA năm 2022 đạt 100% kế hoạch.

Vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài nói riêng xác định giống như vốn mồi, nhằm tạo nền tảng kích cầu và phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, tăng GDP để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. DN, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi nền kinh tế thiếu vốn, nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội muốn nới bội chi, tăng trần nợ công… nhưng tiền có thì chưa tiêu được. Với tiến độ như hiện nay nếu các bộ, ngành không có các giải pháp quyết liệt thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương phải coi nhiệm vụ giải ngân vốn ODA là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ODA, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA năm 2022.