Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coi thường sức khỏe người tiêu dùng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được phát hiện từ tháng 8/2019, tuy nhiên mãi tới đầu năm 2020, danh tính những công ty sử dụng hoá chất tẩy rửa công nghiệp để sản xuất nước mắm mới được công bố. Điều này khiến cho nhiều người tiêu dùng bức xúc, đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ NN&PTNT.

Những chai gọi là nước chấm, nước mắm được làm từ hóa chất tẩy rửa công nghiệp. Ảnh: Phạm Anh
Ngày 8/8/2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Điều Hương ở tỉnh An Giang và hai DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long gồm: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp, Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát. Cả 3 DN nêu trên đều có cùng một vi phạm nghiêm trọng khi cố tình sử dụng Soda Ash Light (NA2CO3) – một hoá chất công nghiệp thường được dùng trong sản xuất chất tẩy rửa và không được phép dùng cho thực phẩm, sản xuất thực phẩm để chế biến nước mắm bán thành phẩm (nước hoa cà). Đáng chú ý, loại hóa chất công nghiệp trên có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Dù Thanh tra Bộ NN&PTNT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 công ty, tuy nhiên điều đó là chưa đủ để xoa dịu nỗi bức xúc của người tiêu dùng. Suốt 5 tháng qua, rất nhiều sản phẩm nước mắm bẩn của các cơ sở này vẫn được tiêu thụ trôi nổi trên thị trường. Người dân không được thông tin để phòng tránh. Liệu cơ quan quản lý Nhà nước nào dám khẳng định, đã không có thêm người tiêu dùng vô tình sử dụng phải nước mắm bẩn trong suốt nhiều tháng qua?
Thanh tra Bộ NN&PTNT biện giải rằng, sau khi xử lý vi phạm, đơn vị này đã đình chỉ hoạt động của các DN, nhưng có lẽ đã không nghĩ đến việc vẫn còn một lượng nước mắm từ hóa chất tẩy rửa công nghiệp do 3 công ty trên sản xuất vẫn lưu thông ngoài thị trường. Việc chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với những DN sản xuất nước mắm giả từ hóa chất tẩy rửa có lẽ vẫn là quá nhẹ so với những hệ lụy mà những sản phẩm kém chất lượng, nếu không nói là độc hại này có mặt trong bữa ăn của hàng triệu người tiêu dùng. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm từ việc sử dụng nước mắm bẩn?
Chưa đề cập tới nghi vấn liệu rằng, có hay không việc cố tình che đậy danh tính của các công ty có vi phạm vì “lợi ích nhóm”, việc Thanh tra Bộ NN&PTNT chậm công bố danh tính của các DN là điều hết sức đáng trách, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Thanh tra Bộ NN&PTNT có lẽ cũng đã nhìn nhận ra những vấn đề dư luận quan tâm và bức xúc những ngày qua. Việc chính thức công bố danh tính của các công ty có vi phạm vào ngày 13/1/2020 giống như một hành động nhằm xoa dịu đi búa rìu dư luận. Hơn ai hết, Bộ NN&PTNT cần thẳng thắn làm rõ trách nhiệm, có giải pháp đồng bộ nhằm quản lý tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm, không để lặp lại những sự việc tương tự nước mắm bẩn từ hóa chất tẩy rửa công nghiệp xảy ra, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.