Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơn hoảng loạn của thị trường khiến chứng khoán toàn cầu “bay” hàng ngàn tỷ USD

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗi lo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sau báo cáo việc làm tháng 7 là thủ phạm chính cho đợt bán tháo cổ phiếu trên phạm vi toàn cầu trong những phiên gần đây.

Theo tờ Bloomberg, làn sóng bán tháo dữ dội đã quét qua thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây, khiến các nhà đầu tư và chuyên gia hoang mang. Trong vòng 3 tuần, khoảng 6,4 ngàn tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu.

Trong phiên giao dịch ngày 5/8, thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất kể từ ngày Thứ Hai Đen tối vào năm 1987, góp phần làm gia tăng nỗi lo về tình trạng hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu. 

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 4.451 điểm, tương đương 12,4%, đóng cửa ở mức 31.458 điểm. Ngoài việc trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 37 năm, Nikkei 225 của Nhật Bản cũng ghi nhận mức sụt giảm xét theo điểm số cao nhất trong lịch sử. 

Tại Seoul, chỉ số Kospi sụt 9%. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones mất 1.033,99 điểm (tương đương 2,6%) xuống 38.703,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,43% còn 16.200,08 điểm, còn S&P 500 sụt 3% xuống 5.186,33 điểm. Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, khép phiên ở mức 38, sau khi có thời điểm nhảy vọt lên 65 điểm, mức cao nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch vào năm 2020.

Nhà đầu tư vẫn không rõ liệu đợt rung lắc trong ngày 5/8 đánh dấu cao trào của đợt bán tháo chứng khoán toàn cầu xuất hiện vào tuần trước, hay báo hiệu sự bắt đầu của một chu kỳ suy giảm kéo dài.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là những lực đẩy cho đà tăng trưởng của thị trường tài chính trong nhiều năm đang lung lay.

Dường như giới đầu tư đã đặt niềm tin sai lầm rằng, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ là không thể ngăn cản, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ nhanh chóng cách mạng hóa hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Họ cũng tin rằng Nhật Bản sẽ không thắt chặt chính sách, hoặc không tăng lãi suất đáng kể.

Các dữ liệu mới được công bố gần đây đã làm suy yếu niềm tin này. Báo cáo việc làm tháng 7 ở Mỹ khá yếu với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%. Thu nhập quý 2/2024 nhờ AI của các công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng gây thất vọng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vừa tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay.

Lãi suất tại Nhật Bản tăng lên đã ngăn cản giao dịch vay đồng yen để mua những loại tài sản khác với lợi suất cao hơn. 

Chuyên gia trưởng về kinh tế và chiến lược Vishnu Varathan của Ngân hàng Mizuho, nhận định, giới đầu tư đang đồng loạt tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán. “Việc mua cổ phiếu thời điểm hiện tại giống như cố gắng bắt một con dao đang rơi và hiện nay “dao đang rơi khắp nơi” – chuyên gia Varathan lưu ý thêm.

Theo giới chuyên gia, cơn hoảng loạn thị trường như thế này sẽ tạo ra những rủi ro khác nhau. Quan ngại lớn nhất là làn sóng bán tháo, nếu không sớm được kiểm soát, có thể làm tắc nghẽn bánh răng của hệ thống tài chính, làm chậm hoạt động cho vay và có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái.

Nhiều chuyên gia kinh tế tại Phố Wall đang kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất khẩn cấp, thậm chí trước cuộc họp tháng 9 tới.

Trên khắp Phố Wall, các nhà kinh tế bắt đầu dự đoán rằng Fed sẽ cần phải can thiệp với mức cắt giảm 0,5 điểm phần trăm hoặc hành động khẩn cấp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng một động thái như vậy có thể làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế. Trong cuộc họp chính sách kết thúc ngày 31/7 vừa qua, Fed đã quyết định duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ.

Liệu khi nào cơn bão tài chính này sẽ kết thúc vẫn còn là một ẩn số. Nhưng thị trường cũng không thể bỏ qua cảnh báo của chuyên gia thị trường Shoki Omori tại Công ty Mizuho Securities rằng “chúng ta cần chuẩn bị cho nhiều điều bất ổn hơn nữa".