Vì sao giá vàng tăng kỷ lục?
Giá vàng thế giới tiếp tục chứng kiến mức cao kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 4/12.
Theo dữ liệu của tập đoàn giao dịch chứng khoán LSEG (Anh), giá vàng giao ngay có lúc tăng vợt lên tới 2.133 USD/ounce trong phiên 4/12 sau khi chạm mức 2.075 USD/ounce hôm 1/12, vượt mức cao kỷ lục trước đó là 2.072 USD/ounce ghi nhận vào ngày 7/8/2020.
Sau khi giảm xuống còn 1.820 USD/ounce vào ngày 5/10, giá vàng thế giới đã tăng trong hai tháng liên tiếp khi một loạt yếu tố cơ bản xuất hiện đã thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn.
Căng thẳng địa chính trị bùng phát do cuộc xung đột Israel-Hamas cùng với lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đã hỗ trợ đà tăng mạnh của giá vàng. Ngoài ra, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ và bắt đầu giảm lãi suất trong năm tới cũng thúc đẩy vàng tăng giá.
Với tốc độ lạm phát tại Mỹ dần được kiểm soát, các nhà giao dịch trên thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng nghiêng về kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, có thể diễn ra ngay trong năm 2024.
Theo công cụ Fed Watch của tập đoàn CME, xác suất Fed hạ lãi suất là gần 75% vào đầu tháng 5/2024. Các nhà đầu tư còn dự đoán trong năm 2024, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ có 4 lần đợt giảm lãi xuất, với xác suất là 77%.
Sức hấp dẫn của vàng sẽ ngày càng mạnh mẽ khi lãi suất giảm do nhiều lý do. Thứ nhất, lãi suất giảm dẫn đến lãi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn - một tài sản an toàn cạnh tranh với vàng - có xu hướng đi xuống. Lợi nhuận kỳ vọng thấp hơn đối với tiền mặt sẽ thúc đẩy giới đầu tư tìm kiếm giải pháp thay thế tốt hơn. Bên cạnh đó, khi lãi suất giảm do suy thoái kinh tế, cổ phiếu có thể gặp thách thức trong việc sinh lợi nhuận.
Vàng đóng vai trò như một rào chắn cuối cùng trước những rủi ro kinh tế và đem lại sự an tâm cho các nhà đầu tư do vàng không liên quan đến trái phiếu và cổ phiếu.
Theo một nghiên cứu gần đây do WisdomTree thực hiện, vàng có xu hướng hoạt động tốt giữa thời điểm kinh tế gặp khó khăn. Khi các hoạt động kinh tế suy thoái mạnh, vàng thường hoạt động tích cực, trong khi cổ phiếu có xu hướng hoạt động kém hơn.
Trên thực tế, nhu cầu đầu tư vào vàng đang tăng lên rõ rệt trong thời gian gần đây. Tháng 11 chứng kiến dòng tiền ròng khoảng 1,5 tỷ USD đổ vào quỹ giao dịch trao đổi vàng (ETF) lớn nhất thế giới.
Triển vọng giá vàng trong năm 2024
Giới chuyên gia kinh tế dự báo cơn sốt vàng toàn cầu sẽ chưa sớm dừng lại trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng cùng với khả năng Fed có thể sớm đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ.
Heng Koon How - chuyên gia trưởng về chiến lược thị trường của công ty UOB nhận định trên đài CNBC: “Dự đoán đồng USD suy yếu và việc Fed hạ lãi suất là động lực quan trọng giúp thúc đẩy giá vàng trong năm 2024. Giá vàng có thể tăng lên mức 2.200 USD vào cuối năm 2024”.
Trong khi đó, ông Bart Melek - người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada), dự kiến giá vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD/ounce trong quý II/2024, chủ yếu do các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua dự trữ vàng.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới, 24% các ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới do họ ngày càng bi quan về giá đồng USD trong vai trò tài sản dự trữ.
Theo chuyên gia Melek, động thái này có nghĩa là nhu cầu có thể cao hơn trong những năm tới. Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng khả năng xoay trục chính sách của Fed trong năm tới cũng có thể được tính đến. Lãi suất thấp hơn có xu hướng làm suy yếu đồng USD và đồng bạc xanh giảm lại khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua quốc tế, do đó cũng thúc đẩy nhu cầu về vàng.