Công nghiệp hạt nhân Nga bùng nổ nhờ thoát cấm vận của phương Tây

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước phương Tây vẫn do dự áp lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân Nga vì lo ngại tổn hại kinh tế.

Nhà máy điện hạt nhân Kola ở vùng Murmansk, Nga. Ảnh: Sputnik
Nhà máy điện hạt nhân Kola ở vùng Murmansk, Nga. Ảnh: Sputnik

Doanh số bán nhiên liệu hạt nhân và công nghệ của Nga tăng vọt trong năm 2022 khi nhập khẩu của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)  tăng lên mức cao nhất trong 3 năm gần đây, tờ Bloomberg trích dẫn dữ liệu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay.

Theo số liệu của cơ quan hải quan Nga, trong năm ngoái, xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân và công nghệ của nước này tăng hơn 20%, do Mỹ và các đồng minh tránh áp các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Moscow.

Nguồn cung từ nga rất cần thiết cho hoạt động của nhiều nhà máy điện ở châu Âu. Cụ thể, công ty hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga cung cấp khoảng 1/5 lượng uranium làm giàu cho 92 lò phản ứng ở Mỹ. Còn tại châu Âu, nhiều công ty lớn cũng phụ thuộc vào Rosatom.

Báo cáo tình trạng ngành công nghiệp hạt nhân thế giới cho thấy, trong số 53 lò phản ứng đang được xây dựng trên thế giới tính đến giữa năm ngoái, 20 lò do công ty Rosatom xây dựng và 17 trong số đó nằm ngoài nước Nga.

Cũng theo báo cáo trên, các thành viên NATO gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Hungary và Slovakia vẫn mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga trong năm 2022. Các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào bí quyết hạt nhân từ Nga để vận hành các nhà máy điện hạt nhân hiện đang sản xuất một nửa lượng điện mà họ cần.

Nhà phân tích Darya Dolzikova thuộc chương trình Chính sách Hạt nhân và phổ biến vũ khí hạt nhân của RUSI cho biết: “Các dự án năng lượng hạt nhân có thời hạn rất dài, vì vậy rất khó để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào. Tuy nhiên, các nước phương Tây có thể do dự trong việc trừng phạt các thực thể hoặc lĩnh vực xuất khẩu năng lượng hạt nhân của Nga”.

Hungary - một trong những nước thành viên EU phản đối việc đưa nhiên liệu hạt nhân vào lệnh trừng phạt của khối - hiện có 4 lò phản ứng hạt nhân do Nga xây dựng và đang đầu tư thêm 2 lò khác do Rosatom xây dựng. Dự án năng lượng hạt nhân này của Hungary khi hoàn thành sẽ là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất Đông Âu.

Hồi đầu tháng này, Giám đốc công ty Rosatom Alexey Likhachev thông báo, đơn vị này đang đàm phán với khoảng 10 quốc gia về các dự án hạt nhân mới, trong đó có 3 hoặc 4 thỏa thuận đầu tư sắp được ký kết.

Nga đang cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ và đang xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân tại quốc gia Nam Á này, dự kiến mở cửa vào năm 2025.  Rosatom đã cung cấp nhiên liệu trị giá hơn 375 triệu USD cho một lò phản ứng ở Trung Quốc vào năm ngoái. Ngoài ra, Moscow cũng đã đầu tư khoảng 90% trong dự án trị giá 13 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện đầu tiên ở Bangladesh.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần