COP26 thông qua thỏa thuận "cứu" trái đất khỏi thảm họa khí hậu

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuỗi đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc tại Scotland đã kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu nhằm duy trì hy vọng sống còn về giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

 Lễ kí Thỏa thuận khí hậu Glasgow. Ảnh: Reuters
Ông Alok Sharma, chủ tịch hội nghị, không thể giấu nổi sự rất xúc động khi tuyên bố rằng không có quyền phủ quyết nào từ gần 200 phái đoàn quốc gia có mặt tại Glasgow, từ các siêu cường sử dụng nhiên liệu than và khí đốt đến các nhà sản xuất dầu mỏ và các đảo ở Thái Bình Dương.
Bước ngoặt lớn
Cụ thể, Thỏa thuận khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C, nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho rằng vượt quá mức tăng 1,5 độ C sẽ dẫn đến mực nước biển dâng cao và các thảm họa bao gồm hạn hán tàn khốc, các cơn bão khủng khiếp và cháy rừng còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà thế giới đang phải gánh chịu.
Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”. Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.
Hiệp ước yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, “có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau", để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu  ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Đây là một bước tiến bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của LHQ, các quốc gia được yêu cầu đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết (NDC), 5 năm một lần.
Tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào Hiệp ước, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết thỏa thuận đã đặt trọng tâm "chưa từng có" vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu. Ông cũng cho hay Hiệp ước dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ”.
Trong suốt 2 tuần Hội nghị, ông Sharma đã có một nhiệm vụ khó khăn là cân bằng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, các cường quốc công nghiệp lớn, và những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia có mức tiêu thụ hoặc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của họ.
“Kỷ nguyên của than đá đang kết thúc”
Các nhà quan sát đánh giá Hiệp ước khí hậu Glasgow là một chiến thắng với việc lần đầu tiên một thỏa thuận của LHQ đã đề cập rõ ràng tới than đá, nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất.
 Các đại biểu chụp ảnh sau khi Hội nghị COP26 kết thúc. Ảnh: Reuters. 
Jennifer Morgan, giám đốc điều hành của nhóm chiến dịch Greenpeace nhận định, tín hiệu vững vàng từ COP cho thấy, kỷ nguyên than đá đang kết thúc. "Nếu bạn là giám đốc điều hành công ty than, COP26 có lẽ là ​​một kết quả tồi tệ."
Các nước đang phát triển lập luận rằng các quốc gia giàu có, mà lượng khí thải trong quá khứ chịu trách nhiệm phần lớn làm nóng hành tinh, phải trả nhiều tiền hơn để giúp họ thích ứng với hậu quả của nó cũng như giảm lượng khí thải carbon. 
Theo Reuters, thỏa thuận đã mang lại cho các quốc gia nghèo nhất những cam kết lớn lao hơn, khi kêu gọi các nước giàu tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng với khí hậu vào năm 2025 từ mức năm 2019, cung cấp tài trợ vốn là nhu cầu chính của các quốc đảo nhỏ tại hội nghị.
Một ủy ban của Liên Hợp Quốc cũng sẽ báo cáo vào năm tới về tiến độ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong tổng tài trợ khí hậu hàng năm mà các quốc gia giàu có đã hứa vào năm 2020 nhưng không thực hiện được. Và các chính phủ sẽ được triệu tập họp vào các năm 2022, 2024 và 2026 để thảo luận về tài chính khí hậu.