COP - Hội nghị thường niên của các bên về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (LHQ) - năm nay đánh dấu lần họp thứ 27 tại khu nghỉ mát ven biển Sharm el-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6-18/11, sẽ chứng kiến ít nhất 90 nguyên thủ quốc gia trình bày kế hoạch đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Như thường lệ, COP27 cũng đặt mục tiêu thúc đẩy tất cả các bên đồng ý về một tuyên bố chung, cam kết thực hiện các hành động vì khí hậu cho giai đoạn tiếp theo.
Hơn 30.000 đại biểu được cho đã đăng ký tham dự COP27, trong đó có những nhân vật chính trị quan trọng như Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã nói rằng ông sẽ tham dự - một sự thay đổi sau khi các kế hoạch ban đầu đã bỏ qua sự kiện, gây ra phản ứng dữ dội.
Đại diện cho một trong những quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự Hội nghị sau khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ kết thúc vào ngày 8/11. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ không có mặt ở COP27. Trên thực tế, hợp tác Mỹ - Trung thu hút nhiều sự quan tâm hơn cả bởi căng thẳng đang bùng phát giữa hai quốc gia phát thải CO2 hàng đầu này được cho có thể cản trở tiến trình tại COP27.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif sẽ có mặt tại sự kiện và dự kiến sẽ là người có tiếng nói mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận về cách các nước giàu hơn có thể hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc phục hồi sau các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Pakistan là quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt kinh hoàng trong năm nay, có thời điểm đã nhấn chìm 1/3 lãnh thổ và gây ra thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ USD, mặc dù nước này đóng góp chưa đến 1% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đang làm ấm hành tinh ngày nay.
“Trận chiến then chốt” tại COP27 được cho sẽ là cuộc tranh cãi kéo dài về việc liệu các nước công nghiệp, giàu có, ngoài việc cắt giảm lượng khí thải, có nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn về những thiệt hại lịch sử mà họ đã gây ra hay không.
Năm 2009, các quốc gia giàu có đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2020 cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển. Nhưng các nước phát triển hiện nói rằng họ sẽ không đáp ứng cam kết đó cho đến năm 2023. Theo LHQ, chỉ có 79,6 tỷ USD cho tài chính khí hậu đã được cung cấp, ít hơn nhiều so với 340 tỷ/năm ước tính cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2030.
Các cuộc đàm phán phức tạp hơn dự kiến bàn về hậu quả kinh tế từ cuộc chiến tại Ukraine và những lo lắng ngày càng tăng về an ninh năng lượng, đặc biệt là khi bắc bán cầu bước vào mùa Đông. Lo ngại về tình trạng thiếu điện đã khiến một số quốc gia tăng cường sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và mở lại các nhà máy nhiệt điện than. Đại dịch Covid-19 cũng đang tiếp tục phủ bóng đen dài, với nguồn tài chính cạn kiệt của các quốc gia khiến dư địa chi tiêu cho hành động khí hậu trở nên ít hơn.
Đáng báo động, các cam kết trước đây của các nước tham dự COP dường như vẫn chỉ là lời hứa suông. Thỏa thuận khí hậu Paris, được ký kết vào năm 2015 tại COP21, cam kết hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng, hướng tới mức tăng khoảng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này - theo một báo cáo của LHQ hồi tháng 10 vừa qua. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi đây là “một quỹ đạo thảm khốc”.
COP27, dự kiến khó có thể đạt được một ký kết lịch sử như Thỏa thuận Paris (2015) hay Nghị định thư Kyoto (1997), đã được Tổng thống Ai Cập gắn nhãn là “COP thực thi”, với mục tiêu biến các cam kết khí hậu trong quá khứ thành hiện thực.
“COP27 là cơ hội để chuẩn bị cho đợt rà soát toàn cầu đầu tiên vào năm 2023, sẽ đánh giá quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris. Vấn đề là xác định tiêu chí nào sẽ được sử dụng để đo lường tiến độ đã đạt được”- Clément Sénéchal, nhà vận động khí hậu của tổ chức Green Peace nhận định, trước khi khởi hành đến Ai Cập tham dự COP27.